Công tác quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa Thủy điện Thác Bà

Thủy điện Thác Bà nằm trên sông Chảy đoạn qua thị trấn Thác Bà là một trong những công trình thủy điện lớn của miền Bắc

Thủy điện Thác Bà đã đi vào vận hành từ năm 1971 là nguồn điện chủ lực của miền Bắc trong thời kỳ đó, đã góp phần phát triển kinh tế cho đất nước. Hiện nay, mục tiêu của thủy điện Thác Bà là phát điện với 3 tổ máy có tổng công suất 120 MW, điện lượng trung bình hàng năm là 425 triệu kWh; phòng chống lũ cho đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội, cắt lũ cho hạ du với dung tích phòng lũ là 1 tỷ m3. Vào mùa kiệt hàng năm, hồ Thác Bà phối hợp cùng với hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang xả nước phục vụ đổ ải vụ mùa đông xuân ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ.

Công trình thủy điện Thác Bà thuộc địa bàn huyện Yên Bình - Tỉnh Yên Bái có đập chính nằm trên dòng sông Chảy, cách tuyến đập khoảng 30km sông Chảy nhập lưu vào sông Lô tại thị trấn Đoan Hùng Phú Thọ. Xuôi về hạ lưu Sông Lô sẽ nhập lưu với sông Hồng ở gần thành phố Việt Trì. Đập dâng chính là đập đất đá hỗn hợp chiều cao 48m, cùng với 18 đập phụ hình thành hồ chứa thủy điện Thác Bà nằm trong địa phận 2 huyện thuộc tỉnh Yên Bái là huyện Yên Bình và huyện Lục Yên. Tổng diện tích mặt hồ là 235 km2, dung tích toàn bộ là 2,94 tỷ m3, là một trong số ít hồ có dung tích lớn của Việt Nam.  

Công trình thủy điện Thác Bà được xây dựng theo sơ đồ đập kết hợp Nhà máy (nhà máy lòng sông). Công trình thuộc loại công trình cấp đặc biệt theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 04-05:2012/BNNPTNT.

Chủ đập: Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà.

Địa chỉ: Khu 8 TT Thác bà, Yên Bình, Yên Bái.

Công tác quản lý an toàn đập:

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn xảy ra trên diện rộng, xuất hiện lũ lớn phải xả lũ và hệ lụy là gây ngập lụt hạ du, công ty cổ phần thủy điện Thác Bà đã tuân thủ và thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý an toàn đập gồm:

Luật phòng chống thiên tai; Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 7/5/2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính Phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; Thông tư số 33/2008/TT-BNN ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều thuộc Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về quản lý an toàn đập; Thông tư số 34/2010/TT-BCT ngày 07 tháng 10 năm 2010 của Bộ Công thương Quy định về quản lý an toàn đập của công trình thủy điện; Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Văn bản số 7277/BCT-ATMT ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Bộ Công Thương về việc xây dựng Phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập thủy điện;Văn bản số 4649/BCT-ATMT ngày 31/5/2012 về xây dựng phương án phòng chống lũ cho hạ du của Bộ Công Thương và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND tỉnh Yên Bái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền.

Để công trình luôn vận hành an toàn, ổn định Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà luôn thực hiện tốt các công tác như:

- Thực hiện duy tu, bảo dưỡng đập định kỳ. Kiểm tra đập và khắc phục, sửa chữa đập. Đo đạc quan trắc đập và các yếu tố khí tượng thủy văn. Tổ chức kiểm định an toàn đập.

- Xây dựng Phương án phòng chống lụt bão đảm bảo an toàn đập trong mùa mưa lũ hàng năm được Bộ Công thương phê duyệt.

- Xây dựng Phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du đập thủy điện Thác Bà được UBND tỉnh Yên Bái, Phú Thọ phê duyệt.

- Công ty đã thực hiện cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện Thác Bà trong năm 2016.

- Xây dựng, lắp đặt hệ thống cảnh báo hạ du trong năm 2017.

         Xả lũ qua công trình thủy điện Thác Bà, tháng 8 năm 2017

Công tác vận hành hồ chứa trong mùa lũ hàng năm

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, bao gồm các hồ: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu, Bản Chát và Huội Quảng, ban hành theo Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 17/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định như sau:

Để đảm bảo chống lũ an toàn và nâng cao hiệu ích phát điện, quy định 3 thời kỳ vận hành trong mùa lũ như sau:

1. Thời kỳ lũ sớm: từ ngày 15 tháng 6 đến ngày 19 tháng 7.

2. Thời kỳ lũ chính vụ: từ ngày 20 tháng 7 đến ngày 21 tháng 8.

3. Thời kỳ lũ muộn: từ ngày 22 tháng 8 đến ngày 15 tháng 9.

Vận hành trong thời kỳ lũ sớm

Cao trình mực nước cao nhất trước lũ của hồ Thác Bà trong thời kỳ lũ sớm được quy định được tích nước đến cao trình 56m

Vận hành trong thời kỳ lũ chính vụ

Hồ Thác Bà: Khi dự báo trong 24 giờ tới mực nước sông Hồng tại Hà Nội vượt cao trình 12,5m, hồ Thác Bà bắt đầu tham gia cắt lũ để cùng hồ Hòa Bình, Sơn La và Tuyên Quang giữ mực nước sông Hồng tại Hà Nội không vượt quá cao trình 13,4m, mực nước hồ không vượt quá cao trình 58m. Khi mực nước tại Hà Nội xuống dưới cao trình 12,5m, xả nước, đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước quy định

Vận hành trong thời kỳ lũ muộn

Từ ngày 22 tháng 8, hồ Thác Bà được phép tích dần đến mực nước dâng bình thường; Trong quá trình tích nước, nếu Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo có khả năng xảy ra lũ, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai quyết định việc xả nước để hạ dần mực nước hồ đến giới hạn quy định

Vận hành đảm bảo an toàn công trình Thác Bà:

Khi mực nước hồ Thác Bà đã ở cao trình 58m mà dự báo lũ sông Chảy tiếp tục lên, mực nước hồ có thể vượt cao trình 59,6m, bắt đầu chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình: mở dần các cửa đập tràn, các cửa lấy nước vào tuabin để khi mực nước hồ đạt cao trình 59,6m, toàn bộ các cửa xả của tràn và các cửa lấy nước vào tuabin đã được mở hết

 Về trách nhiệm và tổ chức vận hành hồ chứa để cắt lũ:

Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành lệnh vận hành hồ chứa thủy điện Thác Bà trước 2 giờ tính đến thời điểm thực hiện.

Tổng Giám đốc Công ty thủy điện Thác Bà có trách nhiệm thực hiện lệnh vận hành công trình của Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai.

Công tác phối hợp

Trong những năm vận hành vừa qua, Công ty thủy điện Thác Bà luôn nhận được sự hợp tác và giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh, an toàn bảo vệ hành lang hồ chứa.

Để đảm bảo công trình vận hành an toàn, đặc biệt là tránh gây thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân vùng hạ lưu công trình trong mùa lũ, Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà kính đề nghị nhân dân thực hiện như sau:

Khi có thông báo tới nhân dân vùng hạ du về việc tăng, giảm công suất phát điện hoặc khi có thông báo xả lũ từ nhà máy thủy điện Thác Bà được phát qua hệ thống loa cảnh báo dọc theo sông Chảy qua địa phận huyện Yên Bình, huyện Đoan Hùng, 3 hồi còi báo hiệu xả lũ tại khu vực nhà máy và thông báo bản tin xả lũ qua công trình bằng loa phóng thanh gắn trên ô tô chạy dọc bờ sông Chảy đến huyện Đoan Hùng thì đề nghị nhân dân nhanh chóng di chuyển người và tài sản ra khỏi lòng sông, bờ sông và khu vực bị ảnh hưởng do xả lũ từ công trình.

Trong suốt quá trình hồ Thác bà đang xả lũ, người dân không được tập trung đánh bắt cá ở khu vực hạ lưu nhà máy. Gây mất trật tự trong phạm vi bảo vệ của công trình, đe doạ đến an toàn tính mạng của người dân đặc biệt khi xuất hiện tình huống công trình thuỷ điện Thác Bà phải mở thêm cửa xả.

Không xâm phạm vào phạm vi bảo vệ công trình, không neo đậu tàu,  thuyền, bè, mảng vào đập thủy điện hoặc vai đập. Không được cho tàu, thuyền, bè, mảng đi vào khu vực có biển báo vùng cấm phía thượng lưu nhà máy.

Không lấn chiếm phần đất đai của công trình để trồng cây, chăn thả gia súc.

Không phá hoại các mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đập và hồ chứa công trình thủy điện Thác Bà

Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà xin chân thành cảm ơn sự hợp tác và giúp đỡ của nhân dân và các cấp chính quyền địa phương./.

  • 16/10/2017 03:02
  • Nguyễn Thanh Hải