Nhà máy thuỷ điện Thác Bà 35 năm quản lý vận hành

Chủ tịch Hội đồng Quản trị

Đại Ngọc Giang

 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ 3, tháng 9 năm 1960, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà nằm trên dòng Sông Chảy trên địa bàn Huyện Yên Bình, Tỉnh Yên Bái với sự giúp đỡ của Liên Xô với công suất 108MW, sản lượng bình quân năm cỡ khoảng 400 triệu KWh.

Công việc khảo sát và thiết kế nhà máy, công trình được tiến hành từ tháng 7-1959 bởi đoàn Chuyên gia Viện điện khí hoá nông nghiệp Liên Xô và các cán bộ của Bộ Thuỷ Lợi nước ta. Việc thiết kế tiếp theo do Viện thiết kế thuỷ năng Bacu thuộc Bộ Năng lượng Liên Xô đảm nhận và hoàn chỉnh. Tháng 3-1963, thiết kế sơ bộ công trình đã được ký quyết định phê chuẩn bởi Uỷ ban kiến thiết cơ bản Nhà nước. Song song với việc khảo sát thiêt kế công trình, công tác vận động nhân dân di chuyển khỏi vùng lòng hồ đã được Tỉnh Uỷ Yên Bái, Huyện Uỷ Yên Bình đặc biệt quan tâm, coi đó là công việc trọng tâm của Tỉnh. Tháng 3-1961, Tỉnh uỷ Yên Bái ra quyết định thành lâp ban di dân của Tỉnh đồng thời gửi thư cho nhân dân các dân tộc trong Tỉnh nêu rõ ý nghĩa to lớn của việc xây dựng nhà máy thuỷ điện Thác Bà và vinh dự của địa phương trong việc góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá đất nước. Công tác di chuyển nhân dân ra khỏi vùng lòng hồ được chia làm nhiều đợt, đợt 1 vào cuối 1962 đầu 1963, đợt 2 vào đầu 1964 và đợt cuối vào năm 1967 và kết thúc tạo điều kiện cho việc xây dựng nhà máy kịp tiến độ thi công. Kết quả Huyện Yên Bình đã phải chuyển 37/39 xã, bốc chuyển 33.000 mồ mả, 23.000 căn nhà, trên 8.000 hộ với 35.000 nhân khẩu đi xây dựng quê hương mới. Việc rời bỏ quê hương để xây dựng công trình Thuỷ điện Thác Bà là sự hi sinh vô cùng to lớn của nhân dân các dân tộc 2 huyện Yên Bình và Lục Yên Tỉnh Yên Bái.

        Xây dựng nhà máy thuỷ điện Thác Bà là một quá trình lâu dài và khó khăn đối với đội ngũ cán bộ công nhân xây dựng Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô, mà những người xây dưng đầu tiên đến Thác Bà vào năm 1961, là những đơn vị bộ đội, phần đông thuộc sư đoàn 308, phải thi công trên địa hình đồi núi phức tạp, những công việc chuẩn bị ban đầu là dọn sạch vùng lòng hồ, xây dựng các công trình hạ tầng, đường thi công, công trình phụ trợ, đào hố móng nhà máy, đắp đê quai để chuẩn bị cho ngày khởi công công trình.

       Sau 4 năm chuẩn bị, ngày 19/8/1964, đã chính thức khởi công công trình, Phó Thủ Tướng Lê Thanh Nghị đổ mẻ bê tông đầu tiên vào hố móng. Từ ngày ấy công trường bắt đầu nhộn nhịp, công trình cứ cao lớn dần lên từ hố móng sâu thẳm. Trong quá trình thi công, năm 1965 không lực Mỹ bắn phá Miền Bắc, công trường đã trở thành chiến trường chống trả lại máy bay Mỹ, hàng trăm CBCNV đang xây dựng đã anh dũng hi sinh, tháng 9-1966, đội ngũ chuyên gia Liên Xô tạm nghỉ về nước để đảm bảo an toàn, các máy móc thiết bị được tháo rỡ đem đi sơ tán an toàn, công trình tạm ngừng thi công. Tháng 8-1969, công trường hoạt động trở lại do Mỹ ngừng ném bom miền Bắc. Sau một năm rưỡi thi công trở lại, ngày 22/02/1970, lễ ngăn sông Chảy được tiến hành, tham dự có Phó Thủ Tướng Chính Phủ Lê Thanh Nghị, Thứ tưởng Bộ Năng lượng và điện khí hóa Liên Xô cùng hàng ngàn nhân dân các dân tộc quanh vùng đến chứng kiến lễ ngăn sông. Ngày 05/10/1971, Phó Thủ Tướng Lê Thanh Nghị và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban Nhà nước về kinh tế đối ngoại của Hội đồng Bộ Trưởng Liên Xô đã cắt băng khánh thành và khởi động tổ máy số 1, ánh điện trong các gian phòng và công trường bừng sáng, tổ máy số 1 chính thức phát điện vào lưới Miền Bắc, hàng ngàn người có mặt trên công trường được may mắn chứng kiến ánh điện phát ra từ nhà máy, nét mặt người nào cũng rạng rỡ, tỏ rõ niềm phấn khởi và sung sướng đến tột độ. Đối với những người công nhân xây dựng, niềm vui làm tuôn trào nước mắt, ngẹn ngào không nói nên lời. Tại buổi lễ, Đại diện Lãnh đạo nước ta đã nêu bật ý nghĩa quan trọng của việc khánh thành tổ máy số 1 khi bắt đầu đi vào hoạt động, ghi nhận công lao to lớn của đội ngũ cán bộ công nhân xây dựng Việt Nam và các chuyên gia Liên Xô, sự hy sinh to lớn của nhân dân các dân tộc 2 huyện Yên Bình và Lục Yên vì công trình thuỷ điện XHCN.

       Ngày 5-10-1971 cũng là ngày giao ban sản xuất đầu tiên, Giám Đốc là đồng chí Vũ Hiền, đến tháng 5-1972 đã hoàn thành lắp đặt cả 3 tổ máy phát điện lên lưới điện Quốc gia và hoàn thành xây dựng toàn bộ nhà máy, từ đó, ngày 5/10 hàng năm đã trở thành ngày kỷ niệm truyền thống, ngày ra đời lịch sử Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà.

        Nhà máy Thuỷ điện Thác bà đã được xây dựng và lớn lên trong chiến tranh ác liệt và nền kinh tế Miền Bắc còn non trẻ. Thác Bà lại là một trong những trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ ở địa bàn Tỉnh Yên Bái, vì vậy điều kiện xây dựng, hoàn thiện nhà máy và cơ sở hạ tầng không được trọn vẹn, hơn nữa tháng 6-1972 nhà máy lại bị máy bay Mỹ ném bom làm hư hỏng nặng các tổ máy, sau nhiều tháng sửa chữa, các tổ máy lại được khôi phục đưa vào vận hành tạm thời trở lại vào tháng 12-1972, và đến tháng 7-1975 cả 3 tổ máy đã được sửa chữa, khôi phục hoàn chỉnh theo đúng thiết kế.

       Bước sang thời kỳ mới, thời kỳ thống nhất đất nước, 1976-1985, đời sống Nhân dân cả nước nói chung và CBCNV Nhà máy nói riêng gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhưng Thuỷ điện Thác Bà đã phát huy hết khả năng, khai thác triệt để lượng nước hồ phục vụ nền kinh tế Quốc dân. Đứng trước những khó khăn đó, nhu cầu điện năng vô cùng cần thiết, năm 1978, các kỹ sư nhà máy cùng Chuyên gia Liên Xô đã nghiên cứu, thí nghiệm thành công nâng công suất nhà máy lên 120 MW, một lượng công suất đặc biệt có ý   nghĩa trong thời kỳ đó.

       Bước sang thời kỳ đổi mới nền kinh tế đất nước, từ năm 1987 trở đi, trên 15 năm vận hành nhà máy, một số bộ phận máy móc thiết bị bị hư hỏng, thiết bị, phụ tùng dự phòng dần dần hết, các tổ máy thường xuyên sự cố, tuy nhiên tập thể CBCNV Nhà máy đã phát huy nội lực, nâng cao ý thức làm chủ, tự sửa chữa, vận hành Nhà máy đảm bảo an toàn. Mặt khác, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và sinh hoạt của CBCNV trong thời kỳ này rất khó khăn, nhà cửa thì tạm bợ, đường xá gập gềnh, thông tin và giao lưu thiếu thốn vì ở xa các trung tâm của Huyện của Tỉnh, đời sống công nhân rất khó khăn cả về vật chất và tinh thần, tuy nhiên tập thể lãnh đạo đã từng bước phấn đấu sửa chữa cơ sở hạ tầng, xin vốn sửa chữa 14 km đường Thác Bà-Cát lem, xây nhà làm việc, cho CBCNV vay vật liệu làm nhà để yên tâm công tác, năm 1992 bắt đầu thực hiện cơ chế khoán sửa chữa đại tu nhờ vậy công việc thực hiện nhanh hơn, đời sống CBCNV dần dần được cải thiện, nhiều gia đình xây được nhà kiên cố, mua sắm được xe máy , tivi …      

       Từ tháng 3-1995 đến 3-2006, Nhà máy thuỷ điện Thác Bà chuyển về trực thuộc và hạch toán phụ thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ 20, hoạt động của nhà máy gặp nhiều khó khăn, máy móc thiết bị vận hành gần 30 năm xuất hiện nhiều hư hỏng và sự cố luôn đe doạ, nhiều cán bộ, công nhân đã có tuổi, cán bộ kế cận từ lãnh đạo đến các phòng ban phân xưởng rất thiếu, cơ sở vật chất lạc hậu, xuống cấp, đường xá đi lại khó khăn không đảm bảo an toàn giao thông, thông tin liên lạc vô cùng hạn chế. Đứng trước những khó khăn đó, Đảng bộ, Ban Giám Đốc cùng tập thể CBCNV vẫn hết sức cố gắng lao động cần cù sáng tạo vận hành an toàn nhà máy không để xảy ra sự cố chủ quan và tai nạn lao động. Sự chuyển biến bắt đầu bằng sự đoàn kết nhất trí cao trong tập thể lãnh đạo và CBCNV lao động trong những năm đầu thế kỷ 21, trước tiên bằng việc củng cố tổ chức sản xuất và bộ máy quản lý, coi trọng và tập trung vào công tác cán bộ, chấn chỉnh kỷ luật lao động, giải quyết các chính sách chế độ nghỉ hưu hàng năm cho người lao động, tuyển chọn thu hút nhiều kỹ sư chính quy mới ra trường có trình độ, năng lực, sắp xếp bố trí lại lao động hợp lý, đây thực sự là cuộc cải cách hành chính toàn diện, đánh giá đúng năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ cán bộ đến công nhân. Nhà máy đã mạnh dạn đổi mới, tăng cường ý thức tổ chức kỷ luật và nội quy lao động để vận hành nhà máy có hiệu quả, an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng điện Tổng Công ty giao, tăng thu nhập cho người lao động. Kết quả của việc tổ chức lại sản xuất, tổ chức bộ máy quản lý và công tác cán bộ là đã thay đổi thế hệ lãnh đạo, giảm độ tuổi bình quân từ 43 tuổi năm 2000 xuống 40 tuổi năm 2006, giảm biên chế từ 238 xuống 170 người, tổ chức sản xuất mới gọn nhẹ hơn từ 23 xuống 13 tổ, sáp nhập 2 phân xưởng cơ điện và thuỷ lực thành 1 phân xưởng sửa chữa, giảm biên chế đi ca vận hành từ 8 xuống 6 người, bồi dưỡng, đào tạo và bổ nhiệm toàn bộ cán bộ quản lý mới, tuyển chọn và thu hút được 16 kỹ sư và cử nhân về làm việc tại nhà máy, tất cả những quy trình tạm thời từ những năm 1971 đã được hiệu chỉnh và ban hành chính thức sau 30 năm vận hành.

       Về máy móc thiết bị, kể cả thiết bị chính và thiết bị phụ đều xuống cấp sau 30 năm vận hành liên tục. Tổ máy M2 thì máy phát điện rung và kêu rất to khi nâng điện áp từ 7 đến 10,5 KV có nguy cơ không thể vận hành được nữa, M3 thì hư hỏng buồng xoắn, nghiêng trục,cách điện máy phát rất kém , M1 thì hư hỏng stator máy phát điện. Hệ thống kích thích của cả 3 tổ máy nhiều lần sự cố cháy nổ nguy hiểm, turbin cả 3 tổ máy rung đảo lớn, chảy dầu liên tục, các cổ cánh hướng nước rơ rão phụt nước nguy hiểm. Trước tình hình đó, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đồng ý cho đại tu nâng cấp các tổ máy và các thiết bị điện khác. Ngày 15-9-2004, tổ máy M2 được tách ra đại tu nâng cầp bởi nhà thầu Ukrinterenergo-Ucraina và đưa vào vận hành trở lại ngày 28-7-2004 sau thời gian 10 tháng. Tổ máy M1 được tách ra đại tu nâng cấp ngày 4-1-2006 trong thời gian 10 tháng. Các tổ máy được tháo rút ruột toàn bộ chỉ còn phần bê tông, turbin được sửa chữa thay thế toàn bộ các chi tiết bị hư hỏng, thay mới lõi thép cuộn dây stator và làm mới cách điện rôtor máy phát điện với cấp cách điện cao hơn, thay mới điều tốc điện kỹ thuật số. Hệ thống điều khiển, bảo vệ tự động, đo lường và giám sát kỹ thuât tiên tiến cũng được thay thế mới song song với các tổ máy bởi nhà thầu ABB- Singapore. Ngoài ra, các thiết bị ,công trình khác cũng được đầu tư cải tạo nâng cấp thay mới như trạm phân phối 110-35KV, toàn bộ hệ thống máy cắt, trạm ác quy, trạm nén khí, thay mới tổng đài và đường truyền viễn thông cáp quang Thác Bà -Thái Nguyên-Hà Nội, sửa chữa hư hỏng và cải tiến sân tiêu năng xả lũ công trình, sửa chữa chống thấm hành lang đập tràn, thay mới toàn bộ hệ thống vận tải, máy chuyên dụng phục vụ sản xuất, thay mới tất cả các dụng cụ thí nghiệm hiệu chỉnh kỹ thuật số, đại tu nâng cấp hệ thống kho tàng, nhà ăn ca, nhà khách, y tế, sân trung tâm văn hoá, xây mới nhà trẻ mẫu giáo, xây thêm nhà khách phục vụ Chuyên gia, xây nhà văn hoá thể thao,các sân bóng đá, bóng chuyền phục vụ đời sống tinh thần người lao động, cải tao hệ thống điện sinh hoạt, thông tin nội bộ đảm bảo mỹ quan, cải tạo mở rộng đường xá đảm bảo an toàn giao thông, trồng thêm nhiều cây xanh, cải tạo môi trường xanh sạch đẹp. Đặc biệt để phục vụ tốt công tác đại tu sủa chữa các tổ máy, Nhà máy đã đề nghị lãnh đạo Tỉnh cho lắp cột phủ sóng điện thoại di động, đại tu nâng cấp đường Thác Bà-Cát lem năm 2003. Chính vì vậy giao thông đi lại, giao dịch thông tin phục vụ sản xuất rất thuận tiện, đời sống vật chất cũng như tinh thần của CBCNV, chuyên gia, nhà thầu, các đối tác khác và người dân nói chung được nâng cao rõ rệt. Bên cạnh những nhiệm vụ chủ yếu ở trên, các đoàn thể quần chúng như tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Nữ công, Hội Cựu Chiến binh đã phát huy sức mạnh của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng Bộ Nhà máy, đã tổ chức, phối hợp xây dựng phong trào thi đua lao động sản xuất, phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tổ chức các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, cùng nhau xây dựng nhà máy, giữ vững an ninh chính trị nội bộ, trật tự an toàn trong khu vực. Cùng với sự đổi mới của Nhà máy, Khu Thác Bà cũng dần phát triển, đời sống người dân khá hơn, số hộ nghèo giảm bớt, khu phố 8 nhiều lần được tặng bằng khen khu phố văn hoá. Bên cạnh các phong trào thi đua trên, nhà máy còn đẩy mạnh các phong trào hoạt động xã hội, từ thiện, vận động CBCNV tích cực tham gia đóng góp ủng hộ Đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, đóng góp các quỹ từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Hàng năm đều tổ chức gặp mặt tặng quà nhân ngày thương binh liệt sỹ. Từ năm 1998 đến 2005 đã nhận phụng dưỡng 3 Mẹ Việt Nam anh hùng thuộc các Xã của Huyện Yên Bình. Xây dựng Đài tưởng niệm để tưởng nhớ hơn 100 CBCNV bị hy sinh dưới làn bom mỹ trên công trường Thuỷ điện Thác Bà. Xây dựng đền Thác Bà ở vị trí mới trả lại cho dân sau nhiều năm xây dựng và vận hành nhà máy.     

         Quá trình xây dựng và phát triển nhà máy nhà máy Thuỷ điện Thác Bà đã đi vào lịch sử, Thác Bà vẫn luôn được coi là cái nôi của ngành thuỷ điện Việt Nam, bởi nơi đây đã đào tạo và trưởng thành những lớp cán bộ, công nhân của các nhà máy thuỷ điện sau này. Các trưởng ca, công nhân đầu tiên của Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình được đào tạo tại đây, các giám đốc, phó giám đốc của các nhà máy thuỷ điện lớn ở 2 miền Nam Bắc đều trưởng thành từ Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà. Đặc biệt hơn, sau khi khởi công công trình thuỷ điện Tuyên Quang, đến tháng 2-2003, Nhà máy lại được Tổng Công ty điện lực Việt Nam giao nhiệm vụ chuẩn bị sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất và tuyển chọn đào tạo nhân lực để quản lý vận hành nhà máy vào cuối năm 2007, dự kiến 2 nhà máy sẽ là một công ty điều hành chung tại Thị xã Tuyên Quang. Vì lý do cổ phần hoá nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, ngày 15-9-2005 Tổng công ty điện lực Việt Nam đã tách ban chuẩn bị sản xuất ra khỏi nhà máy Thuỷ điện Thác Bà chuyển về trực thuộc Ban Quản lý dự án Thuỷ điện 1. Tại thời điểm tách ra, sau 2 năm đã tuyển chọn và đào tạo được 88 người là lực lượng vận hành chính, lực lương sửa chữa và cán bộ quản lý, trong đó kỹ sư 36 người, cao đẳng và trung cấp là 40 người, công nhân 12 người, đã đào tạo xong toàn bộ các chức danh đi ca vận hành có khả năng đi ca độc lập tại nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, đã bổ nhiệm 1 cán bộ lãnh đạo và 6 cán bộ quản lý cấp phòng ban phân xưởng. Ngày nay, theo chủ trương đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới doanh nghiệp nhà nước, sau 1 năm thực hiện các công tác xác định giá trị doanh nghiệp, kiểm kê, đánh giá, phân loại tài sản, sắp xếp, phân loại lao động, đến ngày 12-12-2005, Công ty Thuỷ điện Thác Bà đã phối hợp với Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần lần đầu ra bên ngoài với khối lượng là 15.386.000 CP cho hơn 210 nhà đầu tư, chiếm 25% vốn điều lệ là 635 tỷ đồng, thu được hơn 171 tỷ đồng nộp về EVN. Ngày 30-3-2006 đã tổ chức đại hội cổ đông thành lập công ty cổ phần, ngày 31-3-2006 Công ty Thuỷ điện Thác Bà chính thức chuyển thành Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà hoạt động với cơ chế đa chủ sở hữu, trong đó Tổng công ty điện lực Việt Nam nắm quyền chi phối.

       Trải qua 35 năm vận hành liên tục, Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà đã luôn đứng vững và phát huy hiệu quả sản xuất, đã sản xuất phát lên lưới điện Quốc Gia hơn 13 tỷ KWh điện. Trong giai đoạn hiện nay, EVN đã nỗ lực gia tăng mạnh mẽ tổng công suất của hệ thống điện Quốc Gia, bình quân tăng 15% năm, hệ thống điện Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tỷ trọng cũng như vai trò của Thác Bà dần dần giảm sút, tuy nhiên không thể không có Thác Bà khi những giờ cao điểm, trong những mùa toàn Quốc bị thiếu điện. Ngày nay, chỉ một năm thôi, EVN đã sản xuất được trên 52 tỷ Kwh điện, nhìn vào con số đó khó có thể tưởng tượng được Thác Bà đã từng một thời là một trong ba chân kiềng lớn của hệ thống điện Miền Bắc.

       35 năm nhìn lại một chặng đường của quá trình trưởng thành và phát triển, chúng ta phải khẳng định rằng lớp lớp thế hệ công nhân viên chức lao động đã vững vàng, kiên định trong lập trường tư tưởng, dũng cảm chiến đấu, bảo vệ thành quả và sức lao động của công trình Thuỷ điện Thác Bà. Mỗi người đều cần cù và sáng tạo trong lao động sản xuất, không ngừng phấn đấu vươn lên đã được đền đáp bằng những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà Nước trao tặng, Danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang năm 1999, nhiều Huân chương lao động hạng 1,2,3, cờ thi đua của Chủ Tịch Nước, bằng khen của Chính phủ, của Ngành, của Tỉnh. Để có được những thành quả ngày nay, toàn thể CBCNV Công ty cổ phần Thuỷ điện Thác Bà vô cùng biết ơn sự hy sinh to lớn của nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình, đời đời ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì xây dựng và chiến đấu bảo vệ công trình Thuỷ điện Thác Bà. Mãi biết ơn sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh Uỷ, UBND Tỉnh Yên Bái, Huyện Uỷ, UBND Huyện Yên Bình kể từ khi xây dựng công trình đến nay, Biết ơn sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Điện Than, Bộ năng Lượng, Bộ công nghiệp, Công ty Điện lực 1, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã giúp nhà máy hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội trong 35 năm qua. Cảm ơn các cơ quan ,đơn vị của Tỉnh, Huyện, các cơ quan đơn vị trong và ngoài ngành đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao.

    35 năm nhìn lai chặng đường đã qua, vừa bàng hoàng, vừa ngỡ ngàng, vừa tự hào của mỗi con người đã sống và làm việc trên công trình và Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, cái nôi và là Nhà máy đầu tiên của Ngành thuỷ điện Việt Nam. Biểu hiện bằng sự đoàn kết nhất trí và sự chia sẻ những nỗi buồn và niềm vui để động viên nhau cùng phấn đấu vì nhà máy và dòng điện thân yêu. Đến bây giờ, nhìn lại quá khứ thật tự hào vì từng con người đã được trang bị đầy đủ kiến thức, lý luận, phát huy được trình độ năng lực, Nhà máy ngày càng được tân trang đổi mới phù hợp với công cuộc đổi mới và công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tự hào với truyền thống 35 năm trưởng thành và phát triển, mỗi CBCNV càng nâng niu và quý trọng để làm tiền đề cho sự phấn đấu vì ngày mai của sự nghiệp Ngành Điện lực Việt Nam và viết thêm những trang sử của Công ty cổ phần Thuỷ điên Thác Bà những năm tiếp theo.

 

                                                                       

  • 06/01/2011 03:11
  • Thác Bà, 22-9-2006