Thác Bà miền xanh trong

YBĐT - Thuyền máy tiếp tục lướt sóng. Ra giữa biển hồ chỉ chút gió, sóng đã dồn lên vỗ ào ạt vào mạn thuyền. Cứ thế ngược mãi lên, bên phải là Phúc Linh - Xuân Lai - Mỹ Gia - Cẩm Nhân - Tích Cốc - Ngọc Chấn - Xuân Long, bên trái là Đại Đồng - Tân Hương - Tân Nguyên - Mông Sơn – Bảo Ái...

Chiếc thuyền máy lướt nhẹ trên sóng biếc. Tôi ngó ra mênh mông biển hồ Thác Bà. Mặt trời giống như chiếc đèn lồng đỏ tươi treo lơ lửng trên đỉnh núi Mèn. Kia là con đập Nhà máy thủy điện Thác Bà vươn từ chân dãy núi Chàng Rể vượt sang chân núi Cao Biền, vồng đập căng lên như vồng ngực chàng trai khổng lồ đón sóng gió biển hồ. Sừng sững giữa trời kia là núi Cao Biền, những đám mây phớt hồng cứ bay lang thang như muốn tìm lại huyền thoại xửa xưa "Cao Biền dậy non", huyền thoại xửa xưa "Ông bà Khổng Lồ đi tìm đất sống" ở vùng Thu Vật cổ.

Thuyền máy nghiêng mạn xé nước một vòng, vượt ra khỏi mê cung của quần đảo Hương Lý. Những hòn đảo xanh xinh đẹp hình như đang chòng chành - chòòng chàành, bồng bềnh - bồồng bềềnh. Dưới chân đảo, những chiếc thuyền kéo rọ tôm bé tẹo cứ dập dềnh dập dềnh theo sóng. Xa xa, một chiếc tầu chở khách từ cảng Hương Lý đang hối hả rẽ nước về hướng bến Cẩm Nhân.

Phút ban mai choáng ngợp giữa một trời non xanh nước biếc biển hồ Thác Bà khiến tôi bồi hồi nhớ những ngày xưa nao nức và oanh liệt trên công trình sáng tạo "đứa con thủy điện đầu lòng" của Chủ nghĩa xã hội. Sử sách mãi ghi khởi công công trình sáng 19 tháng 8 năm 1964, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị đã trịnh trọng đặt một nắm đồng tiền có in hình Bác Hồ xuống chân đập, tượng trưng cho công trình của thời đại Hồ Chí Minh. Sau đó đại tá Vũ Nhất cùng bộ đội Sư đoàn 308 anh hùng, hàng vạn công nhân, kỹ sư với hơn 100 chuyên gia Liên Xô bắt đầu một công cuộc lao động vô cùng sôi nổi, miệt mài xẻ núi, đắp đập ngăn sông, xây dựng nhà máy.

Công trường đang rộn rã, vui tươi với những thành tích lao động nở thắm như hoa rừng thì ngày 8 tháng 7 năm 1966 nhà cầm quyền Mỹ đã tung trên 50 lượt máy bay phản lực kéo đến trút bom. Cả một vùng núi sông vang động, mịt mù đạn bom, hàng chục người thợ đã bị bom Mỹ giết chết. Chỉ hai tuần sau, ngày 21 tháng 7, nhà cầm quyền Mỹ lại tung ra hơn 100 lượt Thần Sấm, Con Ma F105 điên cuồng ném bom, bắn tên lửa vào trung tâm khu nhà máy đang hình thành. Một lần nữa công trường, nhà máy tan tành, đổ nát, bao người đã ngã xuống.

Chính quyền Washiton hoan hỉ ra mặt vì cho rằng đã tiêu diệt được khát vọng điện khí hoá của Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng nhà cầm quyền Mỹ đã lầm! Ngay trong đổ nát, hy sinh, công trường vẫn âm thầm sống dậy. Trong những cánh rừng, khe suối, thôn xóm, bản làng..., đêm đêm dưới ánh trăng sao từng đoàn người, đoàn xe vẫn nối nhau ra công trường xẻ núi, đắp đập. Ngày ngày dưới ánh mặt trời, cả công trường vẫn náo nức thi đua lao động trong màu xanh lá nguỵ trang và trong sự canh chừng, bảo vệ của bao cặp mắt xanh và nòng súng thép bộ đội phòng không cùng dân quân trên khắp các đỉnh núi Mèn, núi Hoàng Thi, núi Cao Biền, núi Chàng Rể.

Cứ thế, nhà máy và con đập không ngừng lớn lên. Cho đến ngày 22 tháng 2 năm 1970, dòng sông Chảy chính thức bị lấp ngay nơi con thác dữ huyền thoại- Thác Bà! Và ngày 5 tháng 10 năm 1971, Phó thủ tướng Lê Thanh Nghị cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô N.V.Pốtgornưi ra lệnh khởi động đóng điện lên lưới.

Giữa lúc cả miền Bắc reo vui, mừng đón ánh sáng lung linh phát ra từ miền "than trắng vô biên" Thác Bà thì lũ cánh cụp cánh xoè F111 bất ngờ phát hiện ra, chính quyền Washinton như kẻ hung thần, lập tức lên kế hoạch tiếp tục huỷ diệt Nhà máy thuỷ điện Thác Bà. Ngày 2 tháng 6 năm 1972 lũ giặc lái Hoa Kỳ bất chợt nhào đến, dội trên 200 quả bom bi và bom nổ chậm xuống khắp khu vực nhà máy. Bom bi nổ như ngô rang suốt hai ngày đêm. Tiếp đó, ngày 10 tháng 6, lũ giặc lái Hoa Kỳ tổ chức một cuộc oanh tạc với quy mô chưa từng thấy. Chúng sử dụng hàng trăm máy bay tiêm kích và cường kích ầm ầm lao tới nhằm thẳng trung tâm nhà máy thi nhau dội bom, bắn tên lửa.

Cả không gian, đất trời rung chuyển, chao đảo, mịt mù bom đạn. Sáu tên giặc lái cùng với Thần Sấm, Con Ma đã phải đền tội trước vòng vây lửa đạn rực trời của lực lượng phòng không và dân quân địa phương. Nhưng hơn 1.000 tấn bom với trên 200 quả tên lửa của lũ giặc lái đã làm cho nhà máy hư hỏng rất nặng nề. Cả hai tổ máy đã lắp đặt hoàn chỉnh đều bị tê liệt. Hệ thống điều khiển bị phá huỷ hầu như toàn bộ. Gần 1.000 tấn bê tông sập xuống. Tất cả công trình là một đống đổ nát, ngổn ngang bê tông, sắt thép, đất đá.

Chính quyền Washinton đã sớm vui mừng truyền tin về sự thất bại, hậu quả đổ nát lâu dài của Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà và như vậy đã đánh sập ý chí xây dựng chủ nghĩa xã hội của người Việt Nam. Nhà cầm quyền Mỹ vẫn lầm! Với tinh thần Tất cả cho dòng điện sáng, Tất cả cho chủ nghĩa xã hội, chỉ sau sáu mươi hai ngày đêm lao động quên mình, những người thợ đã cho tổ máy số 2 phát điện lên lưới với các thiết bị do chính Việt Nam thiết kế, lắp đặt, điều khiển. Sau 6 tháng tổ máy số 1 cũng vận hành an toàn với các thông số kỹ thuật xấp xỉ lắp mới. Đến đầu năm 1973 thì tổ máy số 3 cũng được đưa vào khai thác. Và giữa năm 1975 thì toàn bộ nhà máy đã hoàn toàn chỉnh theo đúng thiết kế, có công suất 108 MW, rồi nâng lên 120 MW.

Làm sao kể hết được sự cống hiến, hy sinh to lớn của những người công nhân, kỹ sư, chuyên gia Liên Xô, của các chiến sỹ và nhân dân huyện Yên Bình cho công trình Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà. Còn đấy 81 liệt sỹ khắc tên Bia tưởng niệm ngay đầu con đập thuỷ điện và còn hàng chục người con đã hy sinh, nay vẫn đang đi tìm dấu tích. Còn đấy dưới lòng hồ Thác Bà cả ngàn héc-ta "bờ xôi ruộng mật", cả chợ Ngọc chợ Ngà cùng với nền văn hoá vật thể ngàn năm của người dân Yên Bình. Hơn 5 vạn người dân Yên Bình đã phải di dời, mang theo hơn 3 vạn mồ mả cha ông, dòng tộc, 30 nhà thờ, 40 đền chùa miếu mạo, bao phong tục tập quán sống và canh tác, cùng với dằng dặc những năm tháng gian khó, cho Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà mọc lên kiêu hãnh!

Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, với hơn 100 Huân chương lao động, Huân chương kháng chiến, Huy chương kháng chiến, Huân chương chiến công..., tất cả cũng chỉ là một nhành hoa tươi thắm trong rừng hoa chiến công của vạn người đã từng góp trí tuệ, mồ hôi, xương máu, cả đất sống tổ tiên cho Nhà máy. Bởi vậy, cùng với những huyền thoại xưa, công trình Nhà máy thuỷ điện Thác Bà đã mở ra một trang huyền thoại của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh - thời đại cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là huyền thoại về lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Huyền thoại về đức hy sinh, lòng dũng cảm, tinh thần Quốc tế và sức lao động sáng tạo vô cùng của người Việt Nam.

Từ đấy, Nhà máy thủy điện Thác Bà mọc lên cùng với mênh mông biển hồ. Để ngày nay hồ thuỷ điện Thác Bà, thường thì hết tháng 9 hàng năm, nước có thể dâng lên hết cốt 58, có nghĩa là mặt hồ đã chứa xấp xỉ 2 tỷ 9m3 nước trên một diện tích hơn 23.000ha với 1.300 hòn đảo xanh, có nghĩa là nước đủ cho các tổ máy sản xuất điện, cung cấp cho nhân dân và nền kinh tế quốc dân suốt mấy chục năm qua gần 15 tỷ KWh điện và đủ khả năng phủ đỉnh thường xuyên cho lưới điện quốc gia. Nước hồ Thác Bà còn là một biển nước ngọt lành, cung cấp một lượng rất lớn tôm cá.

Được biết, ngay từ năm 1970 theo thiết kế của Liên Xô, sản lượng khai thác thuỷ sản trong hồ Thác Bà sẽ là 6000 tấn - 8000 tấn/ năm. Nhưng xuất phát từ điều kiện thực tế đến năm 1980, Chính phủ Việt Nam chính thức phê duyệt sản lượng đánh bắt chỉ mức 2.300 tấn/năm. Trên thực tế từ năm 1970 - 1985 Quốc doanh thuỷ sản Thác Bà (thuộc Bộ thuỷ sản trước đây) đã khai thác được trên 5.000 tấn, có mẻ lưới đánh được 47 tấn, có nhiều con cà mè hoa Trung Quốc nặng tới 50 kg - 70 kg đã mắc lưới. Và trong suốt thời gian đó, người ta đã thả xuống hồ 127 triệu con cá giống các loại: chép, mè, trắm, trôi..., riêng năm 1970 thả tới 15 triệu con.

Như vậy, tôm cá đang trở thành một nguồn lợi thuỷ sản quí giá đối với tỉnh Yên Bái, đối với bao sơn dân sống quanh vùng hồ. Nhưng chẳng hiểu vì lí do gì mà sau này Quốc doanh thuỷ sản Thác Bà giải thể. Nhà máy cá hộp theo đó cũng không trở thành hiện thực. Cả một vùng nước ngọt mênh mông với bao tôm cá bỗng để không cho dân và các đối tượng bất hảo khai thác vô tội vạ không chỉ bằng chài lưới mà bằng rất nhiều mìn nổ, xung điện, khiến cho tôm cá ngày càng cạn kiệt. Mãi đến tháng 10 năm 1997, như sực tỉnh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái mới ra Quyết định số 652/QĐ-UB về việc thành lập Trung tâm thuỷ sản Yên Bái, có nhiệm vụ bảo vệ - phát triển - tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trên hồ Thác Bà.

Cả chục năm qua Trung tâm thuỷ sản Yên Bái đã không ngừng thả hàng triệu con cá giống xuống hồ, tuyên truyền mạnh mẽ cho việc quản lí bảo vệ chặt chẽ nguồn thủy sản, quy hoạch bãi cá đẻ và đánh bắt tôm cá hợp lý, làm cho nguồn tôm cá trong hồ Thác Bà không ngừng phát triển. Theo số liệu của Trung tâm thuỷ sản Yên Bái, từ năm 2000 - 2007, lượng cá đánh bắt được gần 25.000 tấn, không kể hàng ngàn tấn tôm. Tiền tỷ của dân từ tôm cá, cùng với lúa - ngô - khoai - sắn - rừng cây, đã góp phần giảm bớt đói nghèo cho gần mười vạn dân Tày - Kinh - Dao - Nùng của 29 xã thuộc huyện Yên Bình và Lục Yên, thật quí!

Và nữa, hồ Thác Bà không chỉ là "nguồn than trắng vô biên", là nguồn nước ngọt lành nuôi vô vàn tôm cá, mà miền trời xanh – rừng đảo xanh – nước xanh này còn là miền kỳ thú hấp dẫn đối với bao nhà khoa học, các nhà đầu tư và du khách. Thì đấy, những hòn đảo xưa cô đơn nay đã dập dìu tàu thuyền ngược xuôi chở khách, chở đá, chở gỗ, chở hàng hóa lên nhà máy chè, nhà máy xi măng, nhà máy chế biến gỗ, lên bến chợ Thác Bà, chợ Cẩm Nhân, chợ Tân Hương, chợ Tân Nguyên, chợ Tô Mậu...

Những hòn đảo xưa cô đơn nay đã rộn bước chân đàn bò, đàn dê, đã xanh lên ngút ngàn rừng bạch đàn, rừng keo, rừng tre, rừng bồ đề, rừng vầu, rừng nứa. Nơi ấy, trên vòm xanh của lá, gió hát rì rào, sơn ca hót ríu ran, từng đàn cò trắng bay về tụ hội. Đã nhiều lần phiêu dạt lang thang non nước vùng hồ, tôi không thể không nhớ cứ vào tháng Sáu đến đảo Cò, nhìn lên các lùm cây, lòng bỗng hồi hộp khi thấy hàng trăm tổ cò đơn sơ nhưng trong đấy đang ấp ủ ba quả trứng xanh - giọt máu giống má của họ nhà Cò. Sang tháng Tám, từ xa đã thấy những chú Cò con chập chững bay theo cánh bay luyện của Cò mẹ, chúng sà xuống mặt hồ giỡn sóng rồi lại rập rờn chớp trắng bay lên rừng cây, cứ thế sáng sáng chiều chiều chúng đem lại cho quần đảo sự yên lành, thanh bình biết bao!

Còn giữa tháng Bảy, những trận mưa rào trút xuống là mùa yêu đương của họ nhà Chép. Chừng ba, bốn giờ sáng chúng tôi bơi một chiếc thuyền con ra ven đảo nào đó, bơi thật nhẹ nhàng, thủ sẵn bật lửa, vài cút rượu, dấm ớt, tỏi, gừng, rau thơm..., rồi cứ buông cho thuyền trôi tự do, còn tất cả im lặng ngồi xuống lòng thuyền. Mưa lắc rắc nhưng chẳng sao. Khi nghe tiếng xé nước loách roách, tôi căng mắt nhìn, trong ánh nước mờ mờ chợt thấy các chàng Chép, nàng Chép quấn riết lấy nhau tỏ tình thật sôi nổi, mạnh mẽ.

Cũng lúc ấy, bốn bề tưởng cả ngàn sao trời rơi xuống mặt hồ lấp láy lấp láy, nhưng không, đấy là ngàn đốm lửa đèn rực lên từ những con thuyền thả lưới của các làng nổi trên hồ. Phiêu dạt cho đến sớm mai ra, chúng tôi ghé xuồng máy bên chiếc thuyền thả lưới, mua ngay một đôi cá chép to còn đang giãy lạch xạch trong khoang thuyền, thêm vài chục con tôm càng, lên đảo đốt lửa nướng cho thơm, rồi đánh trần, khoanh đùi trên cỏ nhắm rượu giữa trời nước trong xanh mênh mông. Cái thú ăn chơi hoang dã giữa thiên nhiên thật khoái chá không thể gì sánh được!

Thuyền máy tiếp tục lướt sóng. Ra giữa biển hồ chỉ chút gió, sóng đã dồn lên vỗ ào ạt vào mạn thuyền. Cứ thế ngược mãi lên, bên phải là Phúc Linh - Xuân Lai - Mỹ Gia - Cẩm Nhân - Tích Cốc - Ngọc Chấn - Xuân Long, bên trái là Đại Đồng - Tân Hương - Tân Nguyên - Mông Sơn – Bảo Ái... Ở đấy, các thôm xóm bản làng còn lưu giữ biết bao nhiêu là bản sắc văn hoá sông Chảy của người Tày, người Mán quần trắng, người Nùng, như: hát then, pụt, hát khảm hải, xịnh ca cao Lan, hát quan làng, xòe Tày, tết nhảy, đâm luống, nhảy lửa, cầu mùa, dân vũ trong lễ cấp sắc Cao Lan, vân vân.

Phía xa kia, núi nhấp nhô xanh sậm chẳng khác lũ voi đang lững thững theo nhau xuống hồ uống nước. Đấy là dãy núi Voi đàn. Còn thăm thẳm trước mặt giữa 1.300 hòn đảo đang trôi dạt bến bờ là quần đảo đá Mông Sơn ảo mờ sương khói, có lúc nháng lên cái ánh bạc ánh vàng mơ hồ do nắng đổ xuống một lườn đá nào đó. Tất cả như đang trôi từ trong huyền thoại, trôi từ trong vòm trời tiền sử trôi ra, trôi dập dềnh đuểnh đoảng, trôi lừng lững choáng ngợp gợi nên một cảm giác vừa thích thú vừa sợ hãi.

Đấy là một quần đảo hùng vĩ, đầy huyền bí mà con người cho đến nay chưa thể khám phá hết về nó. Phải mất hơn một giờ mặt nước thuyền mới cập đảo đá đầu tiên trong quần đảo đá Mông Sơn. Rẽ qua đảo Trinh Nam, neo thuyền lại! Chúng tôi cùng vào thăm động Thủy Tiên, rồi động Cẩu Quây huyền bí, trên tay mỗi người mang theo mấy cây nến lớn, vài thẻ hương, chút hoa quả. Vào cửa động thì đốt nến, đi chầm chậm, thả trí tưởng tượng, tha hồ mà chiêm ngưỡng, thăm thú muôn vẻ diệu kỳ của thiên nhiên: Cột Chống Trời, Trái Đào Tiên, Thần Rừng, Thần Sông, Nàng Thuỷ Tiên, Ông Thiện, đường lên Dương Thế hun hút, đường xuống Giếng Tiên, xuống Thủy Cung thăm thẳm.

Dời động Thuỷ Tiên, động Cẩu Quây, thuyền máy ngược nữa lên những 80 km mặt hồ Thác Bà theo dòng sông Chảy. Phía trái ven hồ, ngay chân núi Con Voi là mỏ đá quí Tân Hương. Mấy năm trước Công ty Đá quí & Vàng Yên Bái đã bất ngờ khai thác được rất nhiều đá quí sapphire và rubi. Đặc biệt có một viên rubi hồng ngọc nặng 2,1 kg và một viên rubi Sao nặng 1,56 kg. Đó là hai viên rubi vô giá, "độc nhất vô nhị” thế giới, được gọi là "Ngôi sao Việt Nam", đã trở thành bảo vật Quốc gia.

Ngược lên nữa phía bên phải hồ là miền núi đá Lục Yên kì vĩ và đẹp mê hồn, chẳng khác gì Hoa Quả Sơn của Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du Ký. Trong lòng các núi đá ấy ẩn chứa biết bao nhiêu là đá quí: bloc siêu trắng, thạch anh, rubi hồng ngọc, saphire, rubi Sao, spinel, peridot, tourmaline, quartz, topaz. Từng có hẳn hai công ty kếch xù liên doanh khai thác đá quí là Công ty Việt – Thái và Công ty Việt - Nga, sau mấy năm khai thác đều thất bại. Chỉ riêng “bụi đá” (chữ của H.T.S) Đào Trọng Cường là thành công bởi khát vọng hiến dâng. Ông Cường đã đầu tư khai thác vô vàn hạt đá lung linh bé nhỏ tưởng như chẳng dùng được vào việc gì, để làm ra những bức tranh tuyệt đẹp. Công ty Thần Châu Ngọc Việt với những bức tranh cẩn đá quí duy nhất ở Việt Nam đã đem lại vinh quang "Nghệ nhân bàn tay vàng" đầu tiên cho ông. Và không ít người Kinh – người Tày – người Dao Lục Yên rất biết ơn ông, vì ông đã truyền cái nghề cẩn đá quí lên tranh, một nghề hiếm hoi quí giá, giúp họ thoát nghèo và sống đẹp.

Cùng với núi ngọc Lục Yên, bên thềm hồ Thác Bà người ta còn tìm thấy trống đồng làng Vặc - Khai Xuân, ngày 25-5-1978 và trống đồng Mông Sơn - Yên Bình, ngày 15-3-1984. Trước đó, vào hồi tháng 10-1963 đến tháng 12-1964, các nhà khảo cổ học Việt Nam có sự tham gia của chuyên gia Cộng hoà dân chủ Đức- tiến sĩ H.DKahlke, đã phát hiện và khai quật di chỉ hang Hùm, còn gọi là hang MaMút ở Tân Lập. Hang Hùm có hàng ngàn hoá thạch của 30 loài động vật, đặc biệt có 3 chiếc răng hàm của người Khôn ngoan(Homô sapiens) cùng các hoá thạch thuộc họ đười ươi(Pongo Pygmaeus Weidencei Chi HOIJR), các hoá thạch thuộc họ voi răng kiếm(Stegoden orientalis OWEN), các hoá thạch của báo gấm thuộc họ mèo (Neofilis rebulosa of primigchic HEMMR và V.KOENIG SWALD). Chứng tỏ vùng hồ Thác Bà từng là một trong những cái nôi sinh sống của người Việt cổ.

Còn đây, trải dài 80 km lòng hồ, suốt từ núi Mèn, núi Hoàng Thi, núi Cao Biền, núi Chàng Rể ở đông hồ lên đến núi Mông Sơn, núi Tô Mậu, núi Nậm Ngập, núi Bạch Mã, núi Tân Lĩnh phía tây hồ, có nhiều đền chùa linh thiêng thờ Sơn thần, Thuỷ thần, thờ các tướng lĩnh có công giữ nước, như: đền Thác Bà, Vũ miếu Đại Đồng, chùa São, đền Thần Áo Đen, chùa hang Úc, đền Đại Cại. Đặc biệt là khu di chỉ khảo cổ học Hắc Y - Đại Cại. Tại đây, thêm di tích chùa tháp Bến Lăn nữa, các nhà khảo cổ học Việt Nam và Yên Bái đã khai quật được một khối lượng hiện vật vô cùng phong phú, bao gồm: đồ sành sứ, gạch ngói, tượng phật, tượng thú, dấu tích lò nung, chân tảng, tiền cổ, tháp, tường đá, một số hiện vất kim khí khác. Các nhà khảo cổ học Việt Nam kết luận: "Đây là một quần thể di tích lịch sử văn hóa khảo cổ học đặc biệt quí hiếm của thời Trần sớm được phát hiện và tìm thấy ở vùng miền núi phía Bắc nước ta.

 


Cũng từ những hiện vật khai quật và cứ liệu lịch sử, các nhà khoa học lịch sử và các nhà khảo cổ học đầu ngành Việt Nam đã nhận định rằng, Chiêu văn vương Trần Nhật Duật- người rất giỏi về kiến trúc, hội họa, quân sự, ngoại giao, lễ tục, ngôn ngữ dân tộc thiểu số và rất thân thiện với người Chăm- được triều đình nhà Trần giao cho việc trấn thủ miền biên viễn phía Bắc nước Đại Việt, đã xây dựng nên trung tâm phật giáo tuyệt mĩ này. Kính cẩn và sợ hãi, chúng tôi thắp hương bái lạy khắp đền chùa, rón rén những bước chân phiêu du trên trầm tích linh thiêng của lịch sử và văn hóa tâm linh Việt ngàn năm.

Bồng bềnh hồ Thác Bà

 

Cuộc hứng khởi chơi non nước và du khảo suốt hai ngày hai đêm, dù rất đã, cũng chưa thật mĩ mãn. Hôm sau chúng tôi lái thuyền máy quay về bãi tắm Tân Hương, nơi Công ty Hùng Đại Dương đang khơi mở tí chút cho tương lai du lịch hồ Thác Bà. Bãi tắm bao nhiêu đá cuội trắng phau tràn cả xuống lòng nước trong xanh. Chúng tôi nhảy ùm xuống, thoả sức bơi lặn, cảm giác như được trở về với tuổi thơ hồn nhiên trong trắng. Thế là giũ sạch nỗi ưu phiền thường nhật, cảm xúc yêu cuộc sống trào dâng, khát khao sống mạnh mẽ hơn, sống có ích hơn cho mình, cho đồng loại. Và nhận ra mình đương là người hạnh phúc một phần nhờ vốn sống ở đời không ngừng đầy thêm, trong trang Tourism của mình ghi thêm các địa danh nổi tiếng đầy chất huyền thoại trong vùng hồ Thác Bà.

Bỗng lời hát đắm say như từ đâu đó ngân nga vỗ về tâm hồn mơ mộng: "Núi ơ núi, thuyền ơ thuyền, mây ơ mây, nước ơ nước... Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, xốn xang mái chèo nhịp đời sinh sôi, non xanh nước biếc...". Chợt ngẩng lên, một miền xanh trong đến nao lòng!

Hoàng Thế Sinh (Thác Bà, cuối Thu 2007 - Thành phố Yên Bái, mùa Xuân 2008)

  • 18/04/2008 12:00
  • Theo: baoyenbai.com
  • 0 nhận xét

Gửi nhận xét