Biến cố

Cuộc đời, ít ai may mắn không một lần trải qua biến cố. Đứng lên từ biến cố, vượt lên để đi qua biến cố là điều không phải ai cũng làm được, ai cũng tự thân làm được. Những ngày dịch covid ở Thác Bà đang thời đỉnh điểm, bản đồ covid ở Thác Bà phủ một màu đỏ rực, Tổng giám đốc Công Ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Bà, đoàn viên công đoàn Công ty, Công đoàn Tổng Công ty Phát điện 3 cùng các công đoàn trực thuộc đã lan toả tinh thần Vòng tay Công Đoàn, giúp đỡ đoàn viên của mình vượt qua biến cố, vượt qua khó khăn như thế…

     Chúng tôi cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Cha mẹ anh, cha mẹ tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ khác, cùng là công nhân của nhà máy. Họ đến từ Thanh Hoá, Nghệ An, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình…Họ, đến từ trên khắp nơi trên dải đất chữ S, cùng chung một nhiệm vụ: Khai hoang vùng đất mới, dựng xây nhà máy thuỷ điện đầu tiên của Miền Bắc, ngày ấy.

     Đi qua chiến tranh khốc liệt, hứng chịu hàng trăm loạt bom rơi, ngày hoà lưới điện Quốc gia, nhiều lớp xi măng, cát sỏi, bê tông cốt thép của Thuỷ Điện Thác Bà thực ngấm trong lòng, mang trong thân dòng máu anh dũng của hàng trăm cán bộ chiến sỹ, vì dòng điện mà ngã xuống.

  

Hình ảnh 1: Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà, nơi anh Bình cùng cha mẹ mình công tác.

     Tôi đến thăm bà Bùi Thị Hà, mẹ của anh Võ Thanh Bình vào một chiều thu đã chín. Nhà cửa sạch bóng, sân vườn vắng lặng. Nắng tháng tám phết mật lên cây bòng trĩu quả. Có tiếng gà kêu, ngỗng quác phía vườn xa. Người phụ nữ tuổi ngoại 75 ngẩng lên từ quây gà con. Từ trong quây, những cục bông màu vàng nhìn tôi, thi nhau chiếp chiếp.

     Tôi xua tay:

     - Bác cứ làm đi ạ, cháu đến chơi thôi!

     Chậu cám hết veo. Lũ gà, ngan no kềnh rủ nhau nhởn ra vườn, dẫn đầu là con ngỗng đực, phệnh phà phệnh phạng.

Hình ảnh 2: Mẹ anh Bình, bà Bùi Thị Hà, 76 tuổi, ở một mình vẫn chăn nuôi, tăng gia, lấy thịt, lấy trứng gửi cho con.

     Thềm sạch.

     Nhà vắng.

     Mở cửa, bật quạt, bà rót cho tôi ly nước.

     - Anh Bình không ở nhà, cháu ạ. Anh ấy đi cùng với vợ con rồi. Nó đi để vợ chồng nương dựa vào nhau. Vợ nó là giáo viên tận Văn Chấn cơ. Nghe bảo nó đi lại tạm được rồi, cắm được nồi cơm, làm được những công việc nhẹ, ở trong nhà là chính…

     Tôi nhìn lên ban thờ. Người đàn ông và cô gái tôi quen thung dung nhìn xuống.
     Tôi nhìn khắp nhà. Nhà rộng, sạch. Nhìn kỹ vẫn nhận ra nhiều chỗ đã lâu ít được bàn chân nào đặt tới.

     Tôi nhìn sang người mẹ. Nước mắt bắt đầu dâng lên từ đôi mắt đục mờ, rịn ra, từng giọt, lăn dài.


Hình ảnh 3:Bà Bùi Thị Hà trong gian phòng khách, trước di ảnh chồng và con gái, khi tôi đến thăm.

     Cha mẹ đều công tác trong nhà máy. Võ Thanh Bình, tôi và bao đứa trẻ khác là lứa trẻ sinh ra trong bom rơi, đạn nổ. Chúng tôi hầu hết đều mong muốn được học tập, đào tạo, được tiếp nối bước chân cha mẹ, được làm việc cho nhà máy, cho quê hương.
     Sinh năm 1968, Võ Thanh Bình đang là công nhân vận hành, trực chính máy với hơn 34 năm công tác. Tháng 7-2021 anh đột ngột bị đột quỵ, tai biến não dẫn đến liệt nửa người.
     Ngày 15-11-2021, lãnh đạo Công Ty Cổ Phần Thuỷ điện Thác Bà- tiền thân là Nhà máy Thuỷ Điện Thác Bà xưa - nhận được đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động. Đơn ghi rõ: Võ Thanh Bình, đột quỵ, tai biến não, liệt bên phải, trí nhớ không minh mẫn, xin chấm dứt hợp đồng lao động để điều trị bệnh.

     Biết hoàn cảnh anh Võ Thanh Bình rất khó khăn, mẹ già trên 75 tuổi, hai con nhỏ còn học tiểu học, vợ công tác xa nhà hơn 100km, bệnh nặng, chi phí điều trị nhiều,  dài ngày… Tổng giám đốc Nguyễn Văn Quyền đã báo cáo Hội Đồng Quản Trị giải quyết chế độ theo luật định, đồng thời trình đề xuất hỗ trợ thêm cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng một khoản tiền (bằng 50% tiền lương của 33 tháng nghỉ trước) để người lao động trang trải khó khăn, điều trị bệnh.


Hình ảnh 4: Tổng giám đốc Công Ty Cổ phần Thuỷ điện Thác Bà Nguyễn Văn Quyền cùng các ban ngành đoàn thể đến thăm, trao quà, động viên gia đình anh Bình, tháng 12 -2021, khi anh kết thúc ba tháng điều trị.

     Đó là những ngày dịch covid ở Thác Bà đang thời đỉnh điểm. Đó là những ngày bản đồ covid ở Thác Bà phủ một màu đỏ rực. Ban Lãnh đạo, đoàn thể các ban ngành cùng anh em công ty, không ngại khó khăn, phân chia nhau hỗ trợ, giúp đỡ gia đình.

     Với tinh thần Vòng tay Công Đoàn lan toả, một miếng khi đói bằng một gói khi no, cùng với sự quan tâm của lãnh đạo, Công đoàn Tổng Công ty Phát điện 3 và đoàn viên các công đoàn trực thuộc cũng quyên góp ủng hộ anh, số tiền lên đến gần176 triệu đồng.

     Lãnh đạo công ty nhận được thư cảm ơn của vợ anh Bình. Lá thư đầy nước mắt. Thay mặt gia đình, chị cảm ơn lãnh đạo cùng toàn thể nhân viên công ty, đoàn viên công đoàn Công ty Phát điện 3 đã quan tâm ủng hộ, giúp đỡ gia đình tạm vượt qua khó khăn. Chị nói nhờ có cơ quan mà anh Bình được cấp cứu, điều trị kịp thời, không còn nguy hiểm tính mạng, tuy đi lại còn khó khăn nhưng đã có thể tự chăm sóc bản thân, tinh thần lạc quan.

     Những ngày cuối cùng của tháng chín năm 2022. Tôi ghé thăm gia đình anh Bình khi Lễ đón nhận Bằng ghi danh Nghệ Thuật Xoè Thái tại Thị Xã Nghĩa Lộ, nơi anh ở cùng vợ con vừa kết thúc.

Hình ảnh 5: Chị Hiền- vợ anh Bình tỉa hoa trang trí bưởi, bán hàng trước căn phòng tập thể giáo viên, nơi vợ chồng anh đang ở.

     Hình ảnh người bạn, đồng nghiệp, hàng xóm cũ ngồi trông sạp bưởi, tỉa hoa cùng vợ trước cửa căn phòng tập thể giáo viên ko khỏi khiến tôi ngậm ngùi. Anh bảo: Anh khoẻ nhiều rồi, anh ở đây rất tốt, có vợ, có con bên cạnh chăm sóc. Anh khoe vợ anh khéo lắm, chị tỉa hoa quả bán rất đắt hàng. Anh khoe mình cắm được hộ vợ nồi cơm, trông được hàng, khoe những bức ảnh vợ và con trai giúp mình phục hồi chức năng dưới chân nhà sàn, bên bờ hồ nhỏ.


Hình ảnh 6: Vợ con cùng đồng nghiệp giúp anh Bình tập phục hồi chức năng bằng cối giã gạo

     Nắm tay tôi, anh nghẹn ngào: Anh chỉ còn mẹ, anh thương mẹ lắm. Mẹ lớn tuổi rồi mà đang phải cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Anh bảo, định bán ngôi nhà đó, thêm tiền chế độ, tiền ủng hộ, tìm mua một miếng đất nhỏ, cất một gian nhà nhỏ, đón mẹ lên đây ở, mẹ con có nhau…


Hình ảnh 7:Anh Bình tập phục hồi chức năng bên công viên

     Anh bảo anh không muốn xa quê, bảo cứ tưởng được cống hiến cả đời cho nhà máy, được sống cả cuộc đời bên dòng sông ấy. Cũng bảo: Mình là đàn ông, là trai trưởng, không nghị lực làm sao được. Rồi anh hỏi thăm khắp mặt anh em, bạn bè, ca kíp. Nói lời cảm ơn, chia tay, nước mắt anh lại chực rơi…


Hình ảnh 8: Anh Võ Thanh Bình cùng đồng nghiệp những ngày còn làm việc, trước khi bị đột quỵ.

     Cuộc đời, ít ai may mắn không một lần trải qua biến cố. Như người mẹ của anh, bà Võ Thị Hà thì biến cố, biến cố khủng khiếp không chỉ đến một lần.

     Chồng mất khi vừa kịp nghỉ hưu, con gái mất khi thanh xuân vừa đến. Trông vào con trai, con trai trở bệnh, làm sao bà và anh Bình không khỏi có phút giây quỵ ngã.

     Đứng lên từ biến cố, vượt lên mọi khó khăn để đi qua biến cố là điều không phải ai cũng làm được, ai cũng tự thân làm được. Có được hôm nay, tôi hiểu, giọt nước mắt của hai mẹ con anh Bình quá đỗi chân thành.

     Từ Nghĩa Lộ về, tôi lại đến thăm bà, cho bà xem ảnh, kể bà nghe chuyện anh Bình đã mạnh khoẻ thế nào, mong muốn gì, vợ con sống ra sao. Lắng nghe tôi, cầm tay tôi, nước mắt lại rưng rưng. Bà bảo cho bà gửi lời cảm ơn tậ đáy lòng tới cơ quan. Bà bảo đợi bà một chút, bà ra vườn nhổ gửi cho mẹ mày nắm rau cải ngọt.


Hình ảnh 9: Vườn rau xanh non, sạch cỏ, thành phẩm của bàn tay bà Bùi Thị Hà

     Chào bà ra về, cầm bó cải ngọt, tôi đi ngang gian bếp. Hai chiếc kiềng, một tròn một dài nằm đó, sắt đã rỉ, tôn đã han. Chiếc rế nằm ngoan dưới nồi cám đã vơi. Than đã hoai trong lòng bếp. Than hoai như tóc người già, bạc trắng.


Hình ảnh 10: Gian bếp nhỏ, nơi chứng kiến bao kỉ niệm tuổi thơ của anh Bình cùng bố mẹ, giờ đơn côi quạnh quẽ.

     Tôi đi qua sân giếng, sân giếng khô cong. Tôi đi qua bể nước, bể nước rêu bong giòn rụm. Tôi đi gần khuất, ngoảnh lại, vẫn thấy bên hiên một chiếc áo xanh. Sắc áo công nhân của Công ty tôi thuở xưa. Sắc áo cha tôi, cha anh Bình, mẹ tôi, mẹ anh Bình cùng bao bậc cha mẹ khác trên mảnh đất này, thủa xây dựng nhà máy này từng mặc, mặc đến bạc rồi vẫn giữ….

  • 15/12/2022 08:25
  • Nguyễn Thị Thu Hà