Mumbai là thành phố 30 triệu dân, sự nghèo nàn ở mọi nơi mọi chốn và cảnh hỗn loạn trên các đường phố đông nghẹt. Nhiều năm qua, các quan sát viên ngành công nghiệp đều có một quan điểm là quốc gia này sẽ không bao giờ giải quyết được các vấn đề của mình. Ngành điện Ấn Độ đã gặp phiền toái bởi tệ quan liêu, các dự án thất bại, sự thiếu lành mạnh của các bộ điện lực bang (state electricity board - SEB), độ khả dụng thấp, tổn thất truyền tải và nạn ăn cắp điện.
Từ khi thông qua Luật Điện lực năm 2003, chính phủ dường như đang có những nỗ lực đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu hết sức cấp bách là cung cấp điện năng cho quốc gia 1 tỷ dân này. Có thể là những người theo chủ nghĩa hoài nghi lập luận rằng Ấn Độ vẫn sẽ không đạt được các mục tiêu đề ra trong các kế hoạch phát triển điện của mình, nhưng điều không thể phủ nhận là các chủ dự án hiện đang tỏ ra hết sức quan tâm.
Các kế hoạch lớn
Ấn Độ có công suất lắp đặt trên 127 GW, lớn đấy, nhưng phải so với lượng thiếu hụt hiện nay là 50 – 60 GW. Chính phủ Ấn Độ có viễn cảnh “Điện năng cho mọi người” vào năm 2012, theo đó mục tiêu đề ra trong các kế hoạch 5 năm lần thứ 10 và 11 là bổ sung thêm 100 GW. Nhưng điều này hiện xem ra là khó có thể thực hiện.
Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 10 (kết thúc vào cuối tháng 3-2007), Ấn Độ dự kiến bổ sung 46 GW công suất mới lên lưới điện. Tuy nhiên, mục tiêu này sẽ còn xa mới thực hiện được. Chính phủ hiện đang dự đoán sẽ chỉ đạt được 30.641 MW. Thậm chí đáp ứng được mục tiêu đã được hiệu chỉnh này cũng vẫn là một yêu cầu quá sức. Điều này đòi hỏi phải bổ sung khoảng 12.900 MW trong mấy tháng còn lại, so với tổng số 17.700 MW được đưa vào vận hành trong vòng bốn năm rưỡi qua.
Chính phủ Ấn Độ hiện đang sốt sắng hơn trong việc tìm cách bù đắp khoảng thiếu hụt này bởi vì họ phải chuẩn bị lập Kế hoạch lần thứ 11. Để giảm thiểu sự không đúng hẹn trong giai đoạn Kế hoạch lần thứ 11, chính phủ đã yêu cầu Cục Điện lực Trung ương (Central Electricity Authority - CEA) nhận diện một lượng lớn các dự án nhiệt điện với tổng công suất 88 GW và các dự án thuỷ điện lên tới 34 GW để tăng phương án lựa chọn và tạo ra độ dự phòng.
Một loạt các nhà máy điện vùng ven biển tổng cộng lên tới 10.000 MW chạy bằng than nhập khẩu hoặc than pha trộn đang được đề xuất để bổ sung cho các dự án “siêu lớn” (trên 4.500 MW) đã được đề xuất. Tất cả các bang vùng ven biển được yêu cầu chuẩn bị kế hoạch hành động để đáp ứng mục tiêu này. Chỉ những dự án thuỷ điện dự kiến sẽ được giao thầu trước tháng 3-2007 mới được ghi vào danh mục đưa vào vận hành theo Kế hoạch lần thứ 11. Trường hợp sử dụng công nghệ mới, ví dụ như các nhà máy nhiệt điện than siêu tới hạn, cũng vậy, chỉ những dự án dự kiến sẽ được giao thầu trước tháng 3-2007 mới được ghi vào danh mục. Mỗi bang đã được chỉ thị phải rà soát lại chính xác chương trình bổ sung công suất theo Kế hoạch lần thứ 11 để đệ trình lên Bộ vào tháng 1 - 2007.
Niềm lạc quan mới
Theo ước tính gần đây nhất, đến năm 2012, Ấn Độ sẽ phải có công suất lắp đặt khoảng 206 GW. Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng thêm 72 GW trong Kế hoạch lần thứ 11 này.
Mặc dù đây là nhiệm vụ rất nặng nề, chính phủ Ấn Độ vẫn lạc quan về sự phát triển tương lại. Phát biểu tại Hội nghị về Cung cấp điện năng (CEPSI) mới đây, ông R.V. Shahi, Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Điện lực, khẳng định: “30 tháng qua là hết sức trọng yếu. Lần đầu tiên trong 2 năm rưỡi, chúng ta đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế là 8%. Giờ đây, chúng ta có thể tin tưởng đặt ra mục tiêu 9 – 10%. Ngành điện là chìa khoá để đạt được mục tiêu này và phải chứng tỏ không phải là yếu tố kiềm chế. Năm 2006 là một năm tốt đẹp. Hồi tháng 10, tăng trưởng nhu cầu điện năng đã là 7% so với 5% vào cùng kỳ năm ngoái.”
Chính phủ tin rằng cách duy nhất vượt qua yếu tố kiềm chế tiềm ẩm do thiếu điện năng là thông qua cạnh tranh. Luật Điện lực năm 2003 đã mở cửa cho sự cạnh tranh. Ông Shahi lưu ý: “Luật đã cho chúng ta chìa khoá nhưng giờ đây chúng ta phải sử dụng chìa khoá này”.
Việc chuyển sang thực hiện sản xuất điện thương mại là phương cách để Ấn Độ giải phóng sức cạnh tranh. Ông Shahi đã nói về sự cần thiết phải có các nhà máy điện thương mại để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cách đây mấy ngày (đầu tháng 11-2006), Bộ trưởng Điện lực đã công bố qui hoạch về nhà máy điện thương mại nhằm giúp đáp ứng nhu cầu thị trường. Chúng ta phải cho phép phát triển công suất theo phương thức cạnh tranh. Nhà máy điện thương mại có thể mở ra một kỷ nguyên, ở đó một sản lượng điện lớn hơn có thể được bán trên cơ sở thương mại .
Cuối tháng 9-2006, chính quyền bang Orissa đã ký Biên bản Ghi nhớ với nhiều công ty khác nhau về việc xây dựng 10 nhà máy nhiệt điện ở bang này. Công bố này đánh dấu một bước quan trọng trong chương trình phát triển điện năng của Ấn Độ. Ông Naveen Patnaik, thủ tướng bang Orissa, nói rằng với 10 biên bản ghi nhớ này, Orissa phải trở thành nhà máy điện của cả nước.
10 nhà máy nhiệt điện than này sẽ được xây dựng với khoản đầu tư 450.000 triệu rupi để sản xuất 10.920 MW điện. Chính quyền bang sẽ có khoản thu nhập hằng năm là 17.900 triệu rupi từ các nhà máy này.
Các biên bản ghi nhớ được ký với Tata Power Ltd, Visa Power Ltd, Monnet Ispat & Energy Ltd, Lanco Group Ltd, KVK Nilachal Power Ltd, Calcutta Electrcity Supply Corporation, Essar Power Ltd, Jindal Photo Ltd, Bhusan Energy Ltd, và Sterlite Energy Pvt Ltd.
Ông Patnaik cho biết chính quyền bang sẽ giành quyền mua tới 25% sản lượng điện từ các nhà máy này theo biểu giá do Uỷ ban điều tiết điện bang Orissa xác định. Vị thủ tướng bang này cũng thông báo rằng chính quyền bang sẽ sớm thành lập Quỹ Quản lý Môi trường. Ông cũng nói rằng các chủ dự án xây dựng các nhà máy này sẽ phải góp 6 paise (0,06 rupi) cho mỗi đơn vị điện năng phát ra từ nhà máy, nhưng chỉ bán trong nội bộ bang, để quản lý môi trường tốt hơn.
Tháng 10 – 2006, công ty Bharat Heavy Electricals Ltd (BHEL) chuyên về thiết bị cho biết họ đang đánh giá phương án mua cổ phiếu một số dự án điện sắp tới, đặc biệt là những dự án có sử dụng công nghệ mới. Công ty quốc doanh này đã quyết định liên kết National Thermal Power Corp. (NTPC) để đấu thầu dự án điện siêu lớn Susan công suất 4.000 MW, và hiện đang tích cực xem xét phương án mua cổ phiếu thiểu số của dự án này, nếu có yêu cầu.
Ông Ashok K. Puri, Chủ tịch và Giám đốc quản lý của BHEL nói: “Chúng tôi đang xem xét phương án tham gia với tư cách cổ đông thiểu số để tạo động lực cho các dự án điện, đặc biêt là những dự cán có sử dụng công nghệ mới. Dự án Susan sẽ sử dụng công nghệ siêu tới hạn mới... Chúng tôi sẽ liên kết với NTPC đấu thầu dự án này, cùng với phương án lựa chọn là mua cổ phiếu.”
Trong khi đó, theo báo cáo hồi tháng 12 - 2006, Bộ Đầu tư Qatar tỏ ý quan tâm tới việc mua 40% cổ phiếu của dự án nhà máy nhiệt điện tại Kerala thuộc sở hữu của NTPC.
Không phải tất cả đều là nhiệt điện
Mặc dù phần lớn công suất mới sẽ là từ nhiệt điện (43 GW nhiệt điện than), nhưng Ấn Độ còn có những kế hoạch lớn về năng lượng tái tạo. Trong số 65 GW nêu trong Kế hoạch lần thứ 11, thì có tới 17 GW là từ thuỷ điện.
Đặc biệt, Ấn Độ sẽ có nhiều biện pháp khuyến khích hơn nữa nhằm nâng công suất phong điện vốn đã là đáng kể ở đất nước này. Ấn Độ đứng hàng thứ tư trên thế giới về phong điện. Theo số liệu tháng 3–2006, công suất lắp đặt nguồn phong điện ở Ấn Độ là 5.200 MW. Lợi nhuận từ các trạm phong điện không phải chịu thuế. Tại hội nghị nói trên, người ta lưu ý rằng ngành năng lượng gió không còn phụ thuộc vào nguồn trợ cấp nữa. Năng lượng hạt nhân cũng sẽ càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong tương lai của đất nước. Điều này được thể hiện rõ trong những thoả thuận hợp tác với Mỹ được công bố vào đầu năm 2007. Phần đóng góp của năng lượng hạt nhân Ấn Độ có thể tăng từ mức hiện tại là 3% lên tới 6 - 10% trong vòng 25 năm tới.
Công suất lắp đặt điện hạt nhân hiện nay đạt gần 4.000 MW. Mục tiêu trong Kế hoạch lần thứ 11 là bổ sung thêm 3.000 MW.
Về khí đốt, giá khí đốt trên quốc tế đã ảnh hưởng tới viễn cảnh nhiệt điện khí. Khoảng 5.000 MW công suất nhiệt điện khí xây dựng với chi phí 200 tỷ rupi (24,4 tỷ USD) hiện không hoạt động. Theo Kế hoạch lần thứ 11, mục tiêu đề ra là 2.000 MW so với mục tiêu 5.000 MW nêu trong kế hoạch trước đó. Dự án Dabhol là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc về hậu quả của giá nhiên liệu cao và tác động dây chuyền đối với giá điện.
Kết quả là ngành điện của Ấn Độ đang rút kinh nghiệm từ chính mình. Gần đây, ông Shahi đã nhắc nhở: “Về khí đốt, giờ đây chúng ta cần thận trọng hơn. Chúng ta sẽ không triển khai trừ phi khí đốt sẵn có hơn và có khả năng dự báo tốt hơn về giá cả.”
Với cách tiếp cận thận trọng này kết hợp với sự quan tâm ngày càng tăng của khu vực tư nhân, có thể thấy Ấn Độ đang tiến gần tới việc cải thiện những nỗ lực trong những kế hoạch 5 năm trước đây. Có thể như vậy vẫn là chưa đủ, song sau mỗi lần thử sức, Ấn Độ sẽ tiến gần hơn tới việc thực hiện mục tiêu đề ra.