Ảnh: Đ/c Ngô Quang Thiều – Nguyên Giám đốc Nhà máy thủy điện Thác Bà
Buổi chiều cuối thu, ánh nắng vàng như mật của vùng Tây Bắc hắt lên những trái Bưởi chĩu cành vàng tươi, báo hiệu đã đến lúc thu hoạch sau một năm chăm sóc. Cùng đi với tôi dưới những gốc bưởi trong vườn của nhà mình, ông Ngô Quang Thiều – Nguyên Giám đốc Nhà máy thủy điện Thác Bà (nay là Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà) say xưa kể về cái duyên số đến với thủy điện Thác Bà.
Sau ba năm học tập, nghiên cứu tại Liên Xô, ông được phân công về nhà máy thủy điện Thác Bà công tác. Nhận được quyết định, ông ngỡ ngàng. Vậy là phải xa gia đình, xa nhà máy Nhiệt điện Lào Cai, nơi ông đã từng công tác đề về làm việc tại Thác Bà. Cùng trong hệ thống các nhà máy điện ông biết nhà máy thủy điện Thác Bà được xây dựng đầu tiên ở Miền Bắc, là công trình trọng điểm trong kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm lần thứ nhất của đất nước, là nền móng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Giờ đang trong thời kỳ đế quốc Mỹ đang mở rộng chiến tranh ra khắp Miền Bắc, Nhà máy thủy điện Thác Bà là một trong những mục tiêu trọng điểm bắn phá của máy bay Mỹ. Công trường xây dựng Nhà máy luôn bị máy bay Mỹ bắn phá nên tiến độ bị chậm lại, nhiều lúc phải dừng lại để đối phó, đánh trả lại máy bay Mỹ. Đã có nhiều người ngã xuống để bảo vệ công trường, bao nhiêu người con ở khắp mọi miền đất nước đều phải rời xa quê hương, gia đình để cùng chung tay xây dựng Nhà máy góp phần làm hậu phương vững chắc cho Miền Nam. Là một người con đất Việt chẳng lẽ ông lại chùn chân trước nhiệm vụ được giao? Nghĩ vậy, ông vui vẻ tạm biệt vợ con khoác ba lô về Thác Bà.
Ông không thể ngờ một vùng quê thưa dân, nhiều đồi núi giờ lại đông đúc và nhiều máy móc, phương tiện hiện đại đến vậy. Đi đến đâu, về ngả nào ông cũng có thể gặp máy móc, thiết bị, ô tô. Đặc biệt là người, cứ nườm nượp tấp nập, bận rộn cả ngày lẫn đêm khiến ông cũng cảm thấy trong người rộn rạo. Không khí phấn khởi, khẩn trương và nghiêm ngặt kéo ông trở về niềm đam mê cháy bỏng với những dòng điện sáng, xóa bỏ hoàn toàn những bỡ ngỡ đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất mới. Nỗi nhớ nhà có lẽ vì thế cũng vơi dần đi. Ông được phân công ở cùng hai người nữa tại nơi sơ tán. Xí nghiệp cấp cho Giấy dầu và Cót để tự dựng nhà ở cho mình. Ba thanh niên từ những vùng quê khác nhau, chẳng hề quen biết, vì công việc được gắn bó với nhau nên nhanh chóng trở thành thân thiết. Họ cùng nhau cầm dao lên rừng chặt cây, đem về, tự dựng lấy lán cho mình ở. Thanh niên nhiệt huyết, tuổi trẻ và sức cường tráng chẳng phải lo nghĩ nhiều, họ vui vẻ ở trong lán trại cùng một khu với những công nhân khác tại nơi sơ tán, lúc nào trong đầu cũng chỉ nghĩ về công việc. Họ lo lắng cho công trình nhà máy mỗi khi có máy bay Mỹ quần đảo. Họ hào hứng giúp các chuyên gia Liên Xô lắp đặt từng chi tiết máy và chả hiểu từ bao giờ, trong mỗi bữa ăn, giấc ngủ của họ Nhà máy là niềm vui, mọi chi tiết hoàn thành và vận hành đúng tiến độ thiết kế họ có thể nhảy lên trong niềm vui sướng. Chính sự kiên cường, nhiệt tình của các chuyên gia Liên Xô đã cho họ ý trí bám trụ Nhà máy đến hơi thở cuối cùng. Máy bay Mỹ không buông tha, chúng cứ vè vè bay xuốt ngày đêm trên nóc Nhà máy. Để đối phó với máy bay Mỹ, Nhà máy thành lập Đại đội tự vệ cùng với trung đoàn của quân đội bảo vệ Nhà máy. Vậy là những thanh niên như ông lại thêm nhiệm vụ nữa là tự vệ. Giờ làm ca họ mang theo súng bên mình. Khi máy bay Mỹ đến, họ rời máy về các ụ súng được chuẩn bị sẵn xung quanh Nhà máy, hỗ trợ cho bộ đội phòng không đang trực chiến trên các quả đồi cạnh công trường. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ Nhà máy ở tầm thấp. Tất cả đều có nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy khi cần, chỉ duy nhất có đội công nhân vận hành là không phải tham gia trực chiến. Vì họ phải tham gia trực máy kể cả khi máy bay quần đảo trên đầu. Chỉ khi nghe thấy tiếng súng nhỏ bắn, có nghĩa là máy bay lao xuống để ném bom họ mới được phép rời máy. Trước khi rời máy nhất định phải tắt ngừng toàn bộ hoạt động của máy mới được chạy xuống hầm trú ẩn. Tính mạng con người rất cần nhưng giờ thì an toàn máy móc cũng cần chẳng kém. Miền Bắc đang cần điện, Nhà máy thủy điện Thác Bà lại là nơi cung cấp nguồn điện chủ yếu cho Miền Bắc, tinh thần của Nghị quyết đại hội III của Đảng với chủ trương “Điện phải đi trước một bước” đã ăn vào máu những người như ông nên mọi hiểm nguy dù có đe dọa bất kỳ lúc nào họ vẫn kiên cường vận hành máy hết công suất. Niềm vui vẫn còn như mới trong ông khi ngày 05/10/1971, tổ máy số 1 được khởi động, dòng điện đầu tiên từ Thác Bà chính thức được hòa vào lưới điện quốc gia, sau 12 năm lăn lộn vừa xây dựng, vừa bảo vệ, kể từ ngày khảo sát thiết kế công trình. Không phải riêng ông mà toàn thể công nhân Nhà máy, ai cũng vui mừng khôn tả. Trong họ có chút gì đó vinh dự tự hào vì đã được cống hiến, có chút gì đó khâm phục vì đã vượt qua nhiều khó khăn để đạt được đến đích. Sau tổ máy số 1 lần lượt đến tổ máy số 2, tổ máy số 3 được vận hành đưa và sử dụng. Kể từ đó ba tổ máy vận hành hết công suất, sản lượng điện của Nhà máy chiếm khoảng 70% tổng sản lượng điện toàn Miền Bắc. Nhìn vào thành quả đó, họ quên hết mọi nhọc nhằn, khó khăn, quên cả tính mạng đáng quý của mình chỉ nghĩ về công việc, về vận hành máy, về những dòng điện được hóa từ kiếp nước để tỏa đi mọi nẻo quê hương, góp vào công quộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và chiến trang chống đế quốc Mỹ ở Miền Nam. Ám ảnh về những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với những công nhân vận hành máy phát điện, ông nảy ra sáng kiến chuyển thiết bị dừng máy xuống tầng hầm. Ông làm một vô lăng lắp đặt dưới tầng hầm, dòng với vô lăng điều khiển trên gian máy bằng một dây xích xe đạp. Nếu bị bom Mỹ đánh phá, những công nhân vận hành có thể rời buồng trực phía trên xuống tầng hầm trú ẩn và thao tác dừng máy. Làm được như vậy ông cảm thấy an tâm phần nào cho họ.
Ảnh: Tự vệ Nhà máy bảo vệ Nhà máy
Cuộc sống của ông, của những công nhân Nhà máy cứ quấn đi với bao bộn bề công việc, Đến ngày 02/6/1972, sau bao ngày trinh sát, oanh tạc, máy bay Mỹ đã trút hàng nghìn quả bom bi, bom phá xuống Nhà máy. Đứt cáp 110kV, hàng nghìn bom bi dải khắp trạm phân phối điện phía cổng Nhà máy. Bom bi có thể phát nổ bất kỳ lúc nào, nguy cơ nổ tung tạm phân phối điện có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không nhanh chóng nhặt cho bằng hết số lượng bom bi đã bi ném xuống. Đội tự vệ của Nhà máy đã làm công việc nguy hiểm này. Mỗi người một giỏ được đan bằng tre, trong đổ cát, họ lần dò từng centimet đất trạm phân phối, nhẹ nhàng lật từng viên sỏi, nhẹ nhàng luồn tay cầm quả bom bi lên đặt chúng vào giỏ rồi đem đi tiêu hủy, lúc này trong tâm trí mọi người chỉ là sự an toàn của Nhà máy, chỉ là nhanh chóng khắc phục hậu quả để điện của Nhà máy lại được tiếp tục hòa vào lưới điện quốc gia. Chỉ trong 2 ngày đêm liên tục, cán bộ công nhân Nhà máy đã đưa tổ máy vào vận hành bình thường, họ đã thực hiện tốt khẩu hiệu “Tổ quốc cần điện như cơ thể cần máu”.
Niềm vui đưa tổ máy vào vận hành chưa được bao lâu, đến ngày 10/6/1972, Mỹ mở cuộc bắn phá với quy mô lớn, bằng kỹ thuật hiện đại. Nhà máy bị trúng bom, toàn bộ gian máy bị sập hoàn toàn. Ba tổ máy nằm dưới hàng ngàn tấn bê tông đổ nát, hoang tàn, khiến toàn thể cán bộ công nhân chết lặng, không ít người đã bật khóc như thể họ mất đi một phần máu thịt của mình. Thời khắc đau sót ấy qua đi rất nhanh, khi họ nhớ đến những công nhân trong ca vận hành đang bị mắc kẹt dưới tầng hầm. không ai bảo ai, họ lao vào nhà máy, đạp trên đống đổ nát, vào phòng điều khiển. Sức công phá của bom làm sập phần mái xuống, đẩy nó chạy dọc hành lang, lao vào cánh cửa phòng điều hành. Rất máy không ai bị thiệt mạng, tình hình Nhà máy thế này lại phải tìm cách khắc phục thôi, không thể lùi bước trước kẻ thù được. Lãnh đạo Nhà máy quyết định thế và tất cả anh em công nhân với lòng căm thù uất nghẹn cũng đồng lòng nghĩ vậy. Ngay trong đêm đầu tiên bị máy bay Mỹ bắn phá, ông được phân công canh gác nghiêm ngặt các ngả đường vào Nhà máy để bảo vệ an toàn các thiết bị của Nhà máy. Ngồi nghĩ đến các thiết bị quan trọng của tổ máy, ông trườn người qua khe hở hẹp giữa sàn đất với dầm bê tông rơi từ mái xuống, chỉ đủ cho một người nhỏ bé như ông lách qua được, ông lần tới chiếc tủ điều tốc nằm rúm ró dưới dầm bên tông rộng gần hai người ôm. Chẳng nhìn thấy gì để tháo các thiết bị trong tủ, nhưng nhất định ông phải tháo vì Lãnh đạo Nhà máy đã giao cho ông phải sửa chữa tủ điều tốc này. Đây là thiết bị quan trọng, trực tiếp điều khển tổ máy. Đã từng học tại Liên Xô, ông biết lắp đặt một tủ điều tốc không hề đơn giản, chỉ cần sai một ly đi một dặm. Không điều chỉnh được tốc độ, công suất của tổ máy, có thể dẫn đến lồng tốc gây hư hại đến các ổ của tổ máy. Trong khi đó ông chưa được xem các chuyên gia Liên Xô lắp đặt thiết bị, đã vậy trong điều kiện hiện tại lại không thể nhìn thấy để đánh dấu vị trí trước khi tháo rời. Nằm trước tủ điều tốc ông chẳng khác nào như người mù phải làm những việc cần sự chính xác đến từng milimet. Ông rất hoang mang, nhưng tình thế này không còn cách nào khác là phải thực hiện, đành liều, cứ tháo cho hết rồi về tính sau. Ông hít dài một hơi rồi luồn tay sờ từng ê cu, tự phỏng đoán kích cỡ rồi bảo hai người phụ giúp để lấy cờ lê để tháo.
Ảnh: Quang cảnh đổ nát của Nhà máy sau khi bị bom Mỹ đánh phá
Trong cái nắng tháng sáu rát bỏng, ông ngồi cặm cụi với đống thiết bị đã tháo ra được, lau rửa từng hạt bụi, nhặt từng chi tiết, quan sát cấu tạo, đối chứng với bản vẽ, sơ đồ do các chuyên gia Liên Xô giao lại, vận dụng các kiến thức đã được học ngày còn ở Liên Xô, ông lần mò, kiên nhẫn lắp từng chi tiết theo hiểu biết của mình.
Sau một tháng rưỡi, nhóm của ông đã lắp xong tủ điều tốc đầu tiên cho tổ máy số 2 – Tổ máy hư hại ít nhất để Nhà máy được vận hành trong thời gian sớm nhất. Hoàn thành nhiệm vụ sớm hơn so với thời gian dự kiến. Không còn việc để làm, ông bàn với anh em trong nhóm lựa chọn những thiết bị chưa bị hư hỏng của tủ điều tốc tổ máy số 1 và số 3 để chủ động lắp đặt sửa chữa hoàn chỉnh cho tủ điều tốc tổ máy số 1, chỉ chờ phía thi công các hạng mục khác của tổ máy hoàn thiện là sẵn sàng đưa vào lắp đặt cho tổ máy.
Khi cánh cửa nhận nước của tổ máy số 2 được đóng lại, ông nhìn Giám đốc, nhận được cái gật đầu, ông nín thở mở van dầu áp lực. Tiếng xòe xòe từ buồng máy vọng lên, ông thở nhẹ nhàng, tiếp tục xoay vô lăng mở cánh hướng nước, thử liên động, mọi việc thử tĩnh đều ổn. Ông bớt đi một phần lo lắng. Giám đốc lệnh cho nâng cánh phai, mở cửa nhận nước vào tổ máy, lúc này tim ông như có ai bóp ngẹt, mọi tâm trí của ông dồn cả vào buồng máy. Im lặng, thời gian như ngừng lại, không có động tĩnh gì. Lo lắng, chờ đợ và hi vọng. Bỗng “Uỵch”, tổ máy đã vận hành được theo thiết kế, ông nhảy cẫng lên vui sướng trong tiếng vỗ tay chúc mừng của anh em trong Nhà máy. Giám đốc Nhà máy đến bên ông xiết chặt cái bắt tay. Giám đốc không nói câu nào nhưng nhìn vào ánh mắt, ông hiểu tất cả. Niềm vui cho họ thêm động lực để tiếp tục khắc phục, sửa chữa tổ máy số 1. Chỉ sau đó hai tháng (12/1972), tổ máy số 1 đã được đưa vào vận hành. Nhà máy đã hoàn thành việc sửa chữa khắc phục hai tổ máy đưa vào vận hành trước 2 tháng. Năm đó Nhà máy được tặng Huân chương Lao động nhưng đối với ông phần thưởng quý giá nhất là sự hoạt động trở lại của hai tổ máy.
Hơn 40 năm bám trụ trên mảnh đất này, về hưu với chức danh Giám đốc Nhà máy thủy điện Thác Bà, ông đã hoàn thành mọi trách nhiệm Nhà nước tin tưởng giao cho. Những con người như ông đã miệt mài góp lên những thành công của Nhà máy. Danh hiệu Anh hừng lực lượng vũ trang mà Nhà nước trao tặng năm 1999 đã minh chứng cho điều đó. Giờ thế hệ trẻ đã tiếp quản Nhà máy, đã cải tạo, nâng cấp đưa vào các thiết bị hiện đại hơn, đem lai lợi nhuận cao hơn, ông rất mừng về sự trưởng thành của lớp trẻ.
Giờ cuộc sống hưu trí, tao nhã với mảnh vườn, ông vẫn tiếp tục vun xới chăm sóc cây trồng để cung cấp cho đời những hoa thơm, quả ngọt. Thật là một con người bình dị, đáng trân trọng.