Tùy bút Shan tuyết Suối Giàng

HPC Thác Bà – Nơi viết tiếp kỷ niệm

     Ui! Oa! .... Ảnh ở đâu mà đẹp thế! Toàn áo dài nữa này.

… Chắc phải xin vài kiểu để đăng lên facebook giới thiệu cho cửa hàng áo dài của mình thôi!

     Tôi đang làm việc thì nghe thấy vợ tôi thốt lên như vậy!

     Biết là vợ lại tò mò gì đó trong điện thoại của mình đây !.. Đúng là phụ nữ! Tôi nghĩ vậy, rồi lại cặm cụi làm việc tiếp.

     Chưa đánh máy xong phần mở đầu của kế hoạch chuyên môn, thì vợ tôi từ bàn bên bật dậy cầm cái điện thoại chìa ra trước mặt tôi: “đẹp thế này mà không được đi, không được bung lụa cùng các chị em…  Tiếc thật!”.

     Tôi dừng lại – quay sang vợ với nụ cười chia sẻ “Ừ! Cũng tiếc, nhưng thôi, để lần sau, mấy hôm nay ông bà sức khỏe không tốt, đi chơi dịp này không yên tâm”!

     Tôi cầm điện thoại, thì ra là ảnh trong nhóm zalo “Nữ công thủy điện Thác Bà” trong chuyến giao lưu học tập nhân kỷ niệm 111 năm ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3 và hưởng ứng “Tuần lễ áo dài Việt Nam”.

     Ngồi xem những bức ảnh của các đồng nghiệp nữ trong chuyến đi trải nghiệm nhân ngày Quốc tế phụ nữ 8/3: rừng chè cổ thụ tại Suối Giàng Văn Chấn, cánh đồng lúa Mường Lò, Suối nước nóng Trạm Tấu…, trong tôi dâng trào cảm xúc về một thời tuổi trẻ sôi nổi. Mới đấy mà đã gần 10 năm; nỗi nhớ ùa về trong ký ức, những nơi này, xưa là sự hoang sơ, vắng vẻ, với cuộc sống gian truân và nghèo đói của đồng bào H’Mông. Thế mà giờ đây, một chặng đường 10 năm, nơi này đã là địa danh du lịch dần nổi tiếng.

     Tôi thầm vui khi Ban nữ công chọn những nơi này để đến, vì tôi đã có những năm từng trải ở đó. Một khoảng thời gian đầy ắp kỷ niệm, đọng lại trong tôi những dấu ấn tuyệt vời. Đó là những tháng năm vừa rời thành phố Hồ Chí Minh về Yên Bái, lên vùng cao sống với đồng bào, làm quen với văn hóa người dân tộc; Năm đầu, khi vừa lấy vợ xong, tôi lên Bản Mù – Trạm Tấu; 9 giờ rồi mà đường vẫn mù sương, rét buốt. Chạy đua tiến độ để làm cho xong công trình nước sạch, sản phẩm đầu tay của tôi tại Công ty TNHH Chiến Công. Nhớ rõ lắm, mấy anh em, chăn màn quần áo buộc sau xe máy; bánh xe đã được độ thêm một bộ xích quấn quanh lốp để tăng ma sát trên đường trơn trượt. Lên đến bản thì trời đã sẩm tối, ngủ nhờ tại hành lang Nhà sàn – Hội trường UBND xã Bản Mù. Nằm co ro với cái chăn mỏng trong đêm sương mù giá buốt, nhìn ánh trăng mờ khuất của đêm gần cuối tháng. Tôi nhớ vợ, nhớ con – nhớ thằng cu tí đầu lòng mới sinh được hơn 1 tháng. Bao suy tư lúc ấy: Cuộc sống, mưu sinh, gia đình… tuổi trẻ là phải phấn đấu, nghĩ miên man và dần chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay!...

(Phương tiện chuyên dụng để lên bản ngày mưa gió)

     Hoàn thành được 50% công trình thì tôi bàn giao lại cho đội thi công làm tiếp; còn tôi lại được công ty điều về Nghĩa Lộ. Ngay lúc này, trong nỗi nhớ mà tôi vẫn thấy lành lạnh sống lưng… Năm trước đấy Nghĩa Lộ nói riêng và khu vực miền núi tỉnh Yên Bái nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão; nhiều nhà cửa, hoa mầu của người dân ven con suối Thia bị lũ cuốn trôi. Mặt bằng tái định cư Phù Nham là công trình thứ 2 tôi đến. Mặt bằng được UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt phía sau nông trường chè Nghĩa Lộ, nằm sát chân núi Suối Giàng. Một khu vực hoang vắng, thưa thớt dân cư. Cái lán được dựng lên ở rìa ngoài của mặt bằng, cạnh con suối và sát với nghĩa trang. Tuần đầu tiên ngủ ở đó để trông coi đồ đạc và đợi công nhân, máy móc Công ty chuyển lên. Nằm cạnh những cái mộ mới có, cũ có, mà vẫn ngủ ngon lành…

     Vẫn trong dòng ký ức, với nỗi nhớ nao lòng; tôi chắt thêm nước vào ấm trà đã sang nước thứ ba. Nhấp ly trà, với thói quen chép miệng “chẹp”, “chẹp’, một vị ngọt nơi đầu lưỡi mà đượm ấm mãi trong cổ họng. Ngon thật! Chè Suối Giàng! Suối Giàng! Với tôi, còn đậm dấu ấn cuộc đời; Suối Giàng! Nơi thất bại, nhưng cũng là nơi “Trường đời” tôi học để trưởng thành; bài học mà tôi giành bao tâm huyết của mình về một thương hiệu Chè ngon đặc biệt bị bỏ giữa chừng!

     Hoàn thành xong con đường bê tông cho thôn Pang Cáng, tôi đã nghiện chất trà. Một ấm trà ngồi nhâm nhi cả buổi tối với người anh Vàng A Giao  phó chủ tịch xã Suối Giàng. Tôi bộc bạch: Tiếc quá anh trai ạ (!); vùng nguyên liệu quý giá này, mà không có ai phát triển. Chè Suối Giàng phải có thương hiệu xứng tầm đặc sản. Khi chè bán được giá đúng với giá trị “Độc nhất vô nhị” của nó thì cuộc sống của bà con sẽ hết khổ.

 

(Hình ảnh cây chè cổ thụ Suối Giàng – Văn Chấn – Yên Bái)

     Cây chè cổ thụ với tuổi đời vài trăm năm ở độ cao tuyệt đối trên 1370 mét (Độ cao so với mực nước biển), quanh năm mây mù bao phủ, thời tiết mát mẻ, trong lành (về tiểu vùng khí hậu, có thể gọi đây là Sa Pa thứ 2). Cây chè không hề biết đến mùi phân hóa học và thuốc trừ sâu; ngon, tinh khiết là vậy mà giá bán thật bèo bọt, còn thấp hơn cả giá chè tươi ở những nơi dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Nếu sao khô rồi bán với giá 70.000 đồng/kg thì còn đỡ tiếc; nhưng lúc ấy, lái buôn lên thu mua, ép giá chỉ có 5.000 đồng 1 cân tươi; Ôi! Tiếc làm sao. Tâm sự từ nỗi lòng của tôi đã lay động A Giao; từ cái nhíu mày suy tư; A Giao bộc bạch: anh sinh ra và lớn lên ở đây, chè quý là thế, mà chưa làm gì giúp được bà con; anh lại đang làm phó chủ tịch xã. Đồng bào còn khổ lắm, trông vào cây lúa ở cái ruộng bậc thang tít dưới lưng chừng núi, có vụ chỉ được 50-60kg/sào, đói lắm chú ạ! Trông vào cây chè, tỉnh, huyện cũng có nhiều chương trình nhưng tới giờ vẫn chưa có được thương hiệu. Cũng chưa có ai đủ đam mê và tiềm lực, với lại phải được sự giúp đỡ của cơ quan nhà nước, về chủ trương và chính sách, cả công tác quản lý sản phẩm. Sở dĩ giá chè không cao lên được, vì chè thật, chè giả lẫn lộn, người mua phải trực tiếp lên bản mới có được chè đúng nguồn gốc, chất lượng!

    Tôi nói với A Giao: anh ạ, muốn biết bơi, mình phải xuống nước. Em tin là sẽ thành công vì, cây chè vốn nó rất quý, đây lại là chè đặc sản! Em đã đọc một tài liệu nói về cây chè xưa kia. Ông nông dân, sớm dậy chỉ pha một ấm trà, uống vài chén rồi đi cầy cả buổi, đến trưa phải tha cầy vì trâu mệt. Giá trị dinh dưỡng của cây chè là vậy. Những năm gần đây, số người nghiện trà ít đi, vì có một thực tế là, người trồng chè không dám uống trà vì chính tay họ phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích cho búp chè nhanh phát triển. Chỉ cần mình quảng bá một thực tế, với khí hậu mát mẻ của Suối Giàng, chè có sâu đâu mà phải dùng thuốc. Cũng với đặc thù khí hậu này mà chè Suối Giàng có “ tuyết”. Vấn đề còn lại là kỹ thuật chế biến, anh em mình vừa làm, vừa học để rút kinh nghiệm.

      Sau chuyến đi Thái Nguyên về, cái xưởng chè với 06 chảo quay được vận hành trên đất nhà A Giao. Khoảng 2 tháng học hỏi và tìm hiểu kỹ thuật tôi đã cho ra lò những mẻ chè ngon đầu tiên. Sản phẩm đã có, nhưng đầu ra mới là yếu tố quyết định, doanh thu thì hạn chế, vốn đầu tư có hạn! Tôi phải tạm dừng một thời gian đi tìm thị trường. Cùng thời điểm đó, một số cơ sở khác cũng bắt đầu triển khai xây dựng, với quy mô, công nghệ hiện đại hơn. Giá chè tươi nhẩy vọt lên 50.000 đồng/kg. Lúc này tôi tự khuyên mình tạm dừng, chờ khi đủ sức sẽ chiến đấu tiếp. Khi rời Suối Giàng, tài sản tôi mang về là chiếc xe máy Exciter – quà kỷ niệm của A Giao, còn toàn bộ nhà xưởng, thiết bị tôi để lại cho A Giao tiếp tục sản xuất. Do vậy! Từ đó đến giờ, tôi vẫn được uống cái chất chè đầy đam mê và cảm xúc này! Đôi, ba năm tôi lại lên một lần, lên chơi với A Giao và dân bản. Vui lắm! Tôi được dân bản quý vì tấm lòng chân thành và ít nhiều cũng có những đóng góp, để lại nhiều kỷ niệm, giá trị nơi đây.

(Rừng chè cổ thụ xã Suối Giàng – huyện Văn Chấn – tỉnh Yên Bái)

     Suối Giàng giờ đã khác xa. Nhiều chính sách của huyện Văn Chấn, của tỉnh Yên Bái đã đầu tư cho Suối Giàng. Vùng nguyên liệu được bảo tồn, sản phẩm chè đã được người tiêu dùng sành sỏi đón nhận và săn tìm! Giá cả đã dần đúng với giá trị đích thực của chè đặc sản Suối Giàng. Khách du lịch đến với Suối Giàng ngày một đông hơn, các dịch vụ theo đó cũng phát triển. Cuộc sống của bà con nơi đây ngày một cải thiện.

(Gia đình nhỏ của tôi trong rừng chè cổ thụ)

     Cuộc đời mỗi con người là một hành trình, có nơi ta chỉ bước chân qua; có nơi ta dừng lại để khám phá và trải nghiệm; có nơi ta sống bằng tất cả tình yêu, niềm tin và nhiệt huyết. Mỗi mảnh đất, tình người trong hành trình ấy sẽ để lại biết bao kỉ niệm. Hành trình của tôi được khắc ghi bởi những tháng, ngày trên mảnh đất mờ sương, với cây chè Suối Giàng cổ thụ. Từ Suối Giàng, tôi về với Thủy điện Thác Bà, về với vị trí công việc đúng với chuyên môn mà tôi được đào tạo; cũng là về với mái ấm gia đình, khi cha mẹ tôi tuổi đã khá cao, hai cháu - con của tôi còn nhỏ. Từ nhà tới cơ quan chỉ vài km, so với chặng đường đã qua, đây là một thuận lợi mà tôi phấn khởi nhất. Hôm nay đây, từ chuyến đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm của chị em phụ nữ; đã gợi về trong tôi, dâng trào nỗi nhớ về một thời đã qua.

  (Ông Nguyễn Văn Quyền – Bí thư Đảng ủy – TGĐ Công ty tặng hoa, chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3/2021)

     Xin cảm ơn Thủy điện Thác Bà, đã bừng lên trong tôi một niềm vui hiện tại. Ở nơi đây, một môi trường làm việc thuận lợi, người lao động gắn bó, đoàn kết. Một doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín trong ngành điện. Người lao động được các cấp lãnh đạo, công đoàn Công ty, Tổng Công ty chăm lo, quan tâm và chia sẻ. Tôi tự hào được sinh ra, lớn lên trên mảnh đất này và hạnh phúc khi được phát triển tại đây – cái nôi của ngành thủy điện Việt Nam. Niềm vui hãnh diện đó đã thức dậy trong tôi: Hồ Thác Bà đã được Chính Phủ phê duyệt, tỉnh Yên Bái kêu gọi đầu tư khai thác du lịch. Một vùng trời đất mênh mang hồ nước sẽ trở thành khu du lịch tầm cỡ quốc gia! Dứt khoát Thủy điện Thác Bà sẽ là điểm đến của du khách, nơi trở về cội nguồn của ngành thủy điện Việt Nam. Hãy làm gì!? Phải làm như thế nào!? Để hôm nay và cả mai sau Thác Bà vẫn luôn là Mốc Son trong lịch sử phát triển của ngành điện nói chung, thủy điện nói riêng. Thác Bà còn là minh chứng lịch sử hào hùng của thời kỳ chống Mỹ. Một minh chứng sừng sững của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam và tình hữu nghị Việt - Xô! Vẫn còn đó, vết đạn, mảnh bom của giặc Mỹ găm thủng tuabin; vẫn còn đó hầm trú ẩn của những con người làm nên chiến thắng! và Đài bia tưởng niệm “Khắc lên trán thời gian, tạc vào lưng thế kỷ” ghi danh những con người đã đổ máu xương để có Thác Bà hôm nay!

     Không chỉ riêng tôi mà tất cả người lao động của thủy điện Thác Bà có quyền tự hào về nơi mình đang sống và làm việc, cùng với niềm tự hào chính đáng đó là trách nhiệm trong lao động, trong sản xuất để đóng góp, xây dựng HPC Thác Bà ngày một phát triển, mãi là nơi Khơi nguồn thủy điện – Thắp sáng tương lai! để Thủy điện Thác Bà – “Đứa con đầu lòng”- của ngành thủy điện, nay đã bước vào tuổi 50 phải xứng đáng là “Con cả” của ngành thủy điện Việt Nam./.

(Nữ công nhân viên chức lao động Công ty cổ phần thủy điện Thác Bà hưởng ứng tuần lễ áo dài)

(Nữ công phòng Hành chính nhân sự chụp ảnh tại khu du lịch thị xã Nghĩa Lộ tỉnh Yên Bái)

  • 17/03/2021 02:35
  • Đặng Quang Huân

Các Tin khác