Nguy cơ thiếu điện
Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), nguy cơ thiếu điện trong cả nước có thể sẽ lại xảy ra từ nay tới giữa tháng 9 tới. Nguyên do là một số nhà máy trong hệ thống đang gặp sự cố.
Hiện nay, công suất khả dụng của toàn hệ thống chỉ có từ 10.200-10.500 MW, nên sự cố ở Nhà máy Điện Phú Mỹ 2.2 sẽ càng làm cho công suất hệ thống điện quốc gia bị thiếu hụt. Chính vì vậy, trong trường hợp nhu cầu phụ tải vượt quá công suất khả dụng này, toàn quốc sẽ phải tiết giảm điện vào giờ cao điểm, nhất là cao điểm sáng, để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó giám đốc A0 cho biết, tình trạng hệ thống điện thiếu hụt công suất vào giờ cao điểm sẽ còn kéo dài đến giữa tháng 9, do công suất của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình bị hạn chế ở ngưỡng 1.500 MW để chống lũ. Bên cạnh đó, nhiều tổ máy, ví dụ như một tổ máy của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 (công suất 300 MW), một tổ máy của Nhà máy Phú Mỹ 4 (công suất 140 MW), một tổ máy của Nhà máy Hiệp Phước (công suất 125 MW)... phải tách ra khỏi hệ thống để sửa chữa, chuẩn bị cho đợt huy động cao khi ngừng cung cấp khí Nam Côn Sơn (dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 29/8 đến ngày 16/9/2007). Ngoài ra, sự cố ở một tổ máy có công suất 54 MW của Nhà máy Sê San 3A từ cuối tháng 6 đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Lẽ dĩ nhiên, trong bối cảnh các nguồn điện phải “gồng mình” hoạt động để đáp ứng mục tiêu đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và nếu không được bảo dưỡng kịp thời, thì khả năng xảy ra sự cố là khó tránh khỏi. Song cho dù có sự cố hay không thì điện vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu và thường trực của người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp sản xuất, bởi trong điều kiện bình thường, cung cấp điện trong khoảng 2 năm trở lại đây luôn ở trong tình trạng không dư dả so với nhu cầu.
Từ năm 1996 đến nay, qua hai bản quy hoạch phát triển nguồn điện IV và V, công suất nguồn điện của cả nước cũng chỉ tăng thêm gần 8.000 MW. Tới thời điểm hiện tại, tổng công suất điện mới đạt hơn 12.000 MW và chưa có công suất dự phòng. Kết quả trên còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra khi xây dựng các quy hoạch trên là đến năm 2010 cần đạt 20.500 MW điện, đảm bảo nhu cầu phụ tải ở mức 16.033 MW và dự phòng ở mức trên 25%. Điều đáng nói là, trong 5 năm trở lại đây, để thực hiện phương châm “điện đi trước một bước”, Chính phủ đã cho phép nhiều dự án nguồn được áp dụng một số “cơ chế đặc biệt” nhằm rút ngắn tiến độ thi công xây dựng. Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, các công trình điện luôn luôn ở tình trạng... chậm tiến độ. Hoạt động của các ngành sản xuất và người dân luôn bị đe dọa bởi nguy cơ thiếu điện bất cứ lúc nào.
Để có thể đảm bảo điện cho phát triển nền kinh tế, Quy hoạch Phát triển điện VI giai đoạn từ nay tới năm 2015, có tính tới năm 2025 đã đặt mục tiêu tăng trưởng phụ tải 17%/năm làm phương án cơ sở cho giai đoạn này và việc điều hành phát triển hệ thống điện sẽ được tính toán theo mức tăng phụ tải 20%/năm. Đặc biệt, Chính phủ đã chấp thuận cho các dự án nguồn điện, đường dây đấu nối với hệ thống điện quốc gia giai đoạn 2006-2015 do các doanh nghiệp trong nước đầu tư được thực hiện theo Quyết định số 1195/QĐ-TTg, ngày 9/11/2005, tức là thuộc các dự án điện cấp bách.
Dẫu vậy, yêu cầu “phát triển nguồn mới phải đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, sử dụng công nghệ hiện đại” cũng không hoàn toàn dễ dàng. Trong Tổng sơ đồ 6, tuy có khá nhiều dự án nhiệt điện được quan tâm, phát triển, nhưng trên thực tế, trong 1 - 2 năm trở lại đây, đã có những dự án nhiệt điện không tìm được sự đồng thuận của cơ quan quản lý môi trường, bởi không đạt tiêu chuẩn trong vấn đề này. Để cung cấp điện ổn định, ngoài việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn điện, ngành điện phải tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm giảm mức tiêu hao điện năng và thất thoát điện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình điện đã được đầu tư.