Ưu thế vượt trội
Trên thế giới, công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá đã được sử dụng khá phổ biến, để tổng hợp điện năng tiêu thụ theo từng biểu giá trong ngày cho khách hàng sử dụng điện 3 pha... Tại Việt Nam, sản phẩm này mới chỉ được nhập khẩu với một số lượng nhất định vì giá khá cao.
Sau một thời gian tìm hiểu, Công ty CNTT Điện lực miền Trung (CPC IT) đã nghiên cứu chế tạo thành công công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá tích hợp đọc chỉ số từ xa qua sóng vô tuyến.
Với những ưu thế vượt trội, công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá có đặc tính và độ tin cậy cao, có khả năng đo đếm điện năng theo nhiều biểu giá, tối đa 32 thanh ghi biểu giá do người sử dụng cài đặt theo yêu cầu, 12 thanh ghi nhu cầu cực đại (Max Demand) ứng với các đại lượng đo đếm. Công tơ có thể ghi nhận biểu đồ phụ tải đến 450 ngày. Cổng giao tiếp RS232/485 cho phép kết nối với modem, hỗ trợ thu thập dữ liệu từ xa. Tích hợp các tính năng cảnh báo và ngăn ngừa các trường hợp gian lận điện năng như kết nối sai pha, đảo ngược cực tính và can thiệp từ tính bên ngoài... Khả năng chịu ảnh hưởng của điện từ trường, nhiễu sóng từ bên ngoài là không đáng kể vì công tơ có vỏ bọc bằng hợp kim nhôm nối đất như lồng Faraday, có khả năng chống tác động từ thông lên các thành phần điện tử trong công tơ. Tích hợp tính năng thu phát số liệu từ xa qua sóng vô tuyến RF kết hợp giải pháp đọc chỉ số tự động thông minh RF-Mesh.
Phù hợp với điều kiện Việt Nam
Bên cạnh những ưu thế tương đương với sản phẩm ngoại nhập, công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá tích hợp đọc chỉ số từ xa qua sóng vô tuyến của CPC IT còn được tăng cường khả năng chống lại môi trường và khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam nhờ các chi tiết sản phẩm được nhiệt đới hóa và lựa chọn các thông số và tính năng kỹ thuật cần thiết phù hợp với nhu cầu sử dụng tại lưới điện Việt Nam.
Đây là sản phẩm của công trình nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu sản xuất Công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá tích hợp đọc chỉ số từ xa qua sóng vô tuyến DT03M-RF” do ông Thái Thành Nam – Phó Gám đốc CPC IT là chủ nhiệm Đề tài. Nhóm tác giả đã đi từ nghiên cứu lý thuyết, đến thiết kết bo mạch, lập trình phần mềm điều khiển (Firmware) cho vi điều khiển và phần mềm giao tiếp/cài đặt công tơ thông qua cổng quang hoặc RS232, cũng như vấn đề giao tiếp modem truyền thông GPRS/3G tương thích với hệ thống thu thập và quản lý dữ liệu MDMS và việc tích hợp công nghệ truyền dữ liệu từ xa qua sóng vô tuyến RF vào bên trong sản phẩm. Do đó, giá thành công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá của CPC IT cũng thấp hơn nhiều so với sản phẩm ngoại nhập.
Theo ông Thái Thành Nam, việc nghiên cứu và chế tạo thành công công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá tích hợp đọc chỉ số từ xa qua sóng vô tuyến là một xu hướng tất yếu trong công cuộc hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin phục vụ ngành Điện nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng suất lao động và tối ưu hóa chi phí”.
Công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá được nhận giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2014. Ảnh: Văn Quảng
|
Tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật Đo lường toàn quốc lần thứ VI (do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường - Chất lượng - Bộ KH&CN phối hợp với Hội Đo lường Việt Nam tổ chức tháng 5/2015), sản phẩm đã được đánh giá cao về các tính năng mới cũng như các ưu thế vượt trội, khẳng định nội lực trong sáng tạo, làm chủ KHCN của ngành Điện trong hiện đại hóa,hướng tới thị trường lưới điện thông minh trong tương lai. Sản phẩm của CPC IT đã đoạt giải Nhì Giải thưởng Khoa học Công nghệ Đo lường năm 2015. Trước đó, sản phẩm cũng được nhận Giải thưởng Sáng tạo Khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2014, được ghi nhận là một trong những công trình khoa học - công nghệ có giá trị khoa học - kinh tế - xã hội lớn, đang được thực hiện tại Việt Nam.
Sản phẩm thiết kế mẫu đã đáp ứng hoàn toàn các yêu cầu kỹ thuật theo các tiêu chuẩn quốc gia cũng như quốc tế, được triển khai lắp đặt ứng dụng thực tế đảm bảo tính chính xác và độ ổn định cao trong điều kiện môi trường khắc nghiệt của miền Trung - Tây Nguyên, được Tổng cục Tiêu chuẩn Do lường chất lượng Việt Nam đánh giá độc lập và cấp Quyết định phê duyệt mẫu, là minh chứng cho khả năng áp dụng vào thực tế kết quả nghiên cứu của một đề tài khoa học ứng dụng. Hiện nay, sản phẩm cũng đã được sử dụng trong nước thông qua các hợp đồng kinh tế và đang được mở rộng sang các thị trường nước ngoài như: Lào, Myanmar, Nam Phi…