Đổi mới là sự phát triển tất yếu của công ty

Năm 2006 là năm bản lề, là cái mốc của sự biến đổi: Nhà máy chuyển cơ chế thành Công ty cổ phần.....

Nhận thức rõ ý nghĩa của vấn đề đó, trong nhiều năm qua lãnh đạo Công ty đã chỉ đạo thực hiện mục tiêu này và thực sự đã đem lại thành công to lớn đảm bảo ổn định bền vững và không ngừng phát triển của Công ty.
Năm 2006 là năm bản lề, là cái mốc của sự biến đổi: Nhà máy chuyển cơ chế thành Công ty cổ phần. Sự đổi mới về con người được bắt đầu từ đây, đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động nói chung, phải đạt được những tiêu chuẩn về trình độ, năng lực, sức khoẻ và tuổi đời mới có thể đáp ứng được yêu cầu về công tác. Việc phải giảm lao động từ hơn 250 người xuống chỉ còn 160 người là một thách thức, một khó khăn mà tập thể Ban lãnh đạo Nhà máy (đứng đầu là đồng chí Đại Ngọc Giang-Bí thư Đảng ủy-Giám đốc Nhà máy) đã mất nhiều thời gian phải trăn trở, suy tư..., bởi mấy chục năm cùng gắn bó xây dựng nhà máy, nay ai ở ai về?
Đảng ủy và Ban Giám đốc đã chỉ đạo Công đoàn Nhà máy và các đơn vị làm tốt công tác vận động, chủ yếu là để mỗi người tự đánh giá bản thân theo những tiêu chuẩn nêu trên.
Tất cả vì sự phát triển của Nhà máy và đóng góp điện năng cho tổ quốc!
Mọi người hiểu như vậy, và, rất nhiều ý kiến tự nguyện dành vị trí cho người có trình độ, năng lực, trẻ, khỏe hơn ở lại gánh vác nhiệm vụ.
Đã 5 năm trôi qua, có thể nói rằng, CBCNV của Công ty từng bước trải qua những bỡ ngỡ ban đầu của cơ chế. Người ta hiểu rõ quyền lợi và trách nhiệm khi mình là người lao động Công ty.
Trong giai đoạn này, ngoài việc ổn định cơ cấu tổ chức và giữ vững ổn định sản xuất điện, các tổ máy phát điện đã lần lượt được đưa ra đại tu phục hồi, nâng cấp toàn bộ hệ thống điều khiển, bảo vệ, đo lường, thay mới hệ thống kích từ máy phát điện, hệ thống điều chỉnh tốc độ tổ máy, thay mới toàn bộ các máy nén khí cũ của LX bằng các máy nén khí hiện đại hơn, có hiệu suất cao hơn. Mới đây, Công ty đã lắp đặt đưa vào vận hành hệ thống “khởi động đen” dự phòng khi sự cố mất điện tự dùng, xoá đi cái cảm giác lo âu trong lòng người thợ mỗi khi nghĩ đến sự cố “Mất điện tự dùng” v.v...; Nâng cấp các thiết bị nhằm tăng hiệu suất và cũng vì vậy ca vận hành đã được giảm số lượng từ 8 xuống còn 6 người, nhân viên vận hành cũng đỡ vất vả hơn vì đã có hệ thống DCS kiểm tra, giám sát, đo lường, điều khiển từ xa.

Bên cạnh việc nâng cấp thiết bị thuộc dây chuyền sản xuất chính, nhiều hạng mục công trình đã được đầu tư sửa chữa, tân trang. Trong đó phải kể đến công trình đại tu mái đập, bóc dỡ toàn bộ bề mặt, làm phẳng và lát đá đồng màu thay vì trước đây chỉ là những viên đá hộc to, nhỏ khác nhau, đầy cỏ dại



Tiếp nữa là khu vực đài tưởng niệm những người đã ngã xuống vì công trình này, nay có một khuôn viên đẹp và có hàng rào trang trí bao quanh; Trạm phân phối điện với hầu hết các thiết bị đã được thay mới, hiện đại, ít hư hỏng, tuổi thọ cao; nền trạm đã được cải tạo, phủ sỏi bề mặt, xung quanh trạm không còn cảm giác của “ngày xưa” rậm rạp cỏ cây.



Con đường hướng tới tương lai của một Nhà máy Anh hùng đang rộng mở, mặc dù trong mỗi bước đi còn gập ghềnh gian khó.




Việc ra đời Trung tâm dịch vụ kỹ thuật-Nòng cốt là Phân xưởng sửa chữa, được coi là định hướng đúng đắn mà Đảng bộ và tập thể lãnh đạo Công ty đã chọn. Trung tâm với đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân dạn dày kinh nghiệm về công tác vận hành, sửa chữa thiết bị nhà máy thủy điện và trạm biến áp sẽ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và cũng là sự mong đợi của các nhà máy, các trạm thủy điện.



Ai đó đã xa vắng một thời dăm bảy năm về trước, nay trở lại đây sẽ thấy toàn cảnh sự đổi thay. Bức tranh đẹp hôm nay thể hiện rực rỡ sắc màu của sự nỗ lực, của ý chí không ngừng vươn lên, của tình thân ái và đoàn kết trong mỗi cán bộ công nhân viên suốt cả chặng đường phát triển, bởi một lẽ thường tình: Muốn phát triển thì cần có những đổi mới!

  • 21/09/2010 12:00
  • Theo: Nguyễn Văn Trịnh
  • 0 nhận xét

Gửi nhận xét