Dịch vụ bán lẻ điện nông thôn : “ăn nên, làm ra”

Thực hiện chủ trương của ngành điện, Điện Lực Trà Vinh đã triển khai mô hình dịch vụ bán điện nông thôn trong toàn tỉnh. Trong những năm qua các dịch vụ này đã tham gia tích cực hỗ trợ ngành Điện trong công tác dịch vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển điện tăng nhanh ở nông thôn và trong những dịch vụ bán lẻ điện nông thôn làm tốt “ăn nên, làm ra” phải kể đến dịch vụ bán lẻ điện nông thôn liên xã Huyền Hội do ông Bùi Chí Linh làm chủ.

Dịch vụ bán lẻ điện liên xã Huyền Hội là một trong những đại lý đầu tiên của Điện lực Trà Vinh, hoạt động ở địa bàn xã Huyền Hội vào tháng 7/2002, hiện nay đã mở rộng quy một hoạt động với địa bàn 5 xã gồm: Huyền Hội, Tân An, Tân Bình, An Trường A, Nhị Long thuộc huyện Càng Long tỉnh Trà Vinh, với 4.999 khách hàng dùng điện; mức thu hộ doanh thu tiền điện hàng tháng bình quân 240 triệu đồng. Ngoài công tác tiền điện dịch vụ còn thực hiện thu cước viễn thông Điện lực ở 2 huyện Càng Long và Châu Thành hàng tháng trên 1.250 hóa đơn, doanh thu bình quân 62 triệu đồng/tháng. Anh Bùi Chí Linh cho biết: “Để công tác thu tiền điện tốt, hoàn thành chỉ tiêu Điện lực giao, ngoài việc thông thạo địa hình, yếu tố cần thiết phải hiểu, nắm được nếp sống sinh hoạt các hộ dân và đôi lúc đã hẹn trước phải đến tận nơi có đám giỗ, đám cưới, đám tang để thu tiền điện, còn khi đến vụ đồng áng phải bước ra đồng để thu tiền điện của khách hàng. Và các hộ dân cũng đã quen dần, hiểu được công việc của dịch vụ nên rất vui vẻ nộp tiền điện”. Ngoài ra để tạo thuận lợi cho bà con nộp tiền, anh Linh thuê trụ sở làm việc đặt tại chợ xã, để mỗi khi bà con đi chợ, thì ghé ngang quầy nộp tiền điện. Với những việc làm trên, hàng tháng HTX dịch vụ của anh đều thu sạch hóa đơn, hoàn thành tốt công tác thu, nộp tiền điện.

Tại văn phòng, bố trí người am hiểu nghiệp vụ về điện, giải thích hướng dẫn tận tình mỗi khi người dân có thắc mắc, liên hệ về điện, những vấn đề thuộc phạm vi cử nhân viên theo dõi trả lời, giải thích cặn kẻ cho người dân hiểu, những vấn đề ngoài khả năng liên hệ với ngành điện trả lời sớm cho khách hàng. Theo anh, để ngươì dân nộp tiền điện đủ, đúng hạn và tự giác đến dịch vụ nộp, thì phải làm tốt công tác giao dịch khách hàng tạo sự đồng thuận, chiếm được tình cảm khách hàng và được khách hàng ủng hộ. Do vậy, trung bình hàng tháng có khoảng 20% số hộ dùng điện tự ý đến quầy để nộp tiền điện. Những năm qua dịch vụ của anh liên tục phát triển, tiết kiệm được nhiều thời gian, đồng thời tiếp nhận thêm một số xã mới.

Với mức tiền thù lao hưởng từ dịch vụ bán lẻ điện nông thôn hàng tháng bình quân từ 6 - 7 triệu đồng (chưa kể các dịch vụ khác như: thu hộ cước điện thoại, thi công dây nhánh điện sau điện kế, thi công lưới điện), đây là một trong những dịch vụ có mức thù lao lớn. Lợi nhuận không phải điều anh quan tâm, cao hơn vẫn là giải quyết việc làm cho người dân địa phương, chính sách với người lao đông và làm công tác xã hội từ thiện ở địa phương. Hiện nay với 11 lao động chính thức ngoài mức thu nhập từ lương khoảng 1,6 triệu đồng/tháng, người lao động ở đây còn được mua bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn con người..., thực hiện chế độ như CNVC Nhà nước. Công tác xã hội, hàng năm ngày khai giảng năm học mới là anh luôn bận rộn với công tác từ thiện như: tặng tập vở cho các em học sinh nghèo các xã. Năm nay anh còn tặng thêm 50 bộ quần áo cho Trường Tiểu học B Huyền Hội. Kéo điện miễn phí cho các hộ nghèo, hộ chính sách, kéo điện trả chậm không tính lãi suất cho các hộ dân.

Hôm nay Huyền Hội đã thay đổi rất nhiều. Điện đã về với những nơi xa xôi khó khăn nhất, tiếng máy xay lúa, máy bơm nước, tiếng trẻ học bài dưới ánh điện đêm... Những con đường về ấp gập ghềnh và tăm tối bùn lầy đã được đổ bê tông chạy dài thắng tắp, dòng điện tỏa sáng dẫn dắt về những ngôi trường, trạm y tế khang trang, những ngôi nhà, ngói mới mọc lên đã nói lên sự thay da đổi thịt của một vùng quê, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của dịch vụ bán lẻ điện nông thôn do ông Bùi Chí Linh làm chủ.

  • 25/10/2008 12:00
  • Theo: Bản tin CĐ T10/07