Trong những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến theo chiều hướng cực đoan, khó lường, nước ta chịu ảnh hưởng liên tiếp của nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới trong mùa mưa lũ, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản của nhân dân cũng như các công trình hạ tầng quan trọng khác...Do vậy công tác phòng chống thiên tai, bảo đảm vận hành an toàn các hồ đập trên cả nước nói chung và của hồ chứa thủy điện Thác Bà nói riêng là hết sức quan trọng. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn cho công trình, cho hạ du, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân đồng thời khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước cho phát điện, phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Để hoàn thành mục tiêu trên, ngay từ đầu năm 2022, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đã tiến hành rà soát, duy tu bảo dưỡng, gia cố các công trình thủy công như: Đập chính, đập tràn, các đập đất, kênh xả hạ lưu, công trình giao thông, công trình kiến trúc, hệ thống cảnh báo thượng lưu, hạ lưu, trạm phát thanh cảnh báo, thông tin liên lạc, thiết bị cơ khí thủy công… Tiến hành trung tu, tiểu tu các tổ máy, kiểm tra, bảo dưỡng, khắc phục thiếu sót của các thiết bị điện, thiết bị cơ khí nhằm loại trừ các nguy cơ có thể xảy ra, đảm bảo các thiết bị luôn sẵn sàng vận hành trong thời gian cao điểm của mùa mưa bão 2022 sắp tới.
Hình ảnh 1: Duy tu, bảo dưỡng thiết bị nâng hạ các cửa xả lũ
Đồng thời, phối hợp với các xã nằm trong phạm vi hành lang hồ chứa thuộc các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ tổ chức, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp nhằm chủ động trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức giúp nâng cao nhận thức về những nguy cơ, hiểm họa do thiên tai gây ra. Rà soát, cập nhật bổ sung, hiệu chỉnh phương án PCTT&TKCN phù hợp với đặc thù của đơn vị. Kiện toàn tổ chức, lực lượng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, hậu cần theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ), tổ chức diễn tập các phương án ứng phó đối với các tình huống thiên tai cơ bản để nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra. Tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, giữa các đơn vị với địa phương để thống nhất chỉ huy, điều hành và phát huy hiệu quả cao nhất về nguồn lực của các đơn vị trong quá trình ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố; Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến các đợt thiên tai và thực hiện nghiêm các chế độ báo cáo theo đúng quy định, bảo đảm thông tin, liên lạc thông suốt.
Hình ảnh 2: Bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị trạm 110-35kV trước mùa mưa bão