Đây là một sự kiện nhằm tôn vinh những cá nhân, tập thể có
những hoạt động và thành tựu quan trọng, đóng góp vào công cuộc tuyên truyền,
xây dựng ý thức, hành động bảo vệ môi trường; phát triển nền kinh tế xã hội vì
cộng đồng, gắn liền với phát triển bền vững.
Sau một thời gian tìm kiếm đề xuất kỷ lục trong lĩnh vực môi trường, Tổ chức Kỷ
lục Việt Nam và Tin Môi Trường - Tin nhanh về môi trường Việt Nam chính thức
công bố 7 kỷ lục Việt Nam gồm:
1. Hồ Thác Bà - Hồ
nước nhân tạo lớn nhất
(Ảnh Hồ Thác Bà)
Hồ Thác Bà cách Hà Nội
180km về phía Tây bắc, thuộc thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là
hồ nước nhân tạo, tích nước cho nhà máy thủy điện Thác Bà để phát điện và chống
lũ lụt, hạn hán cho đồng bằng Bắc bộ. Diện tích hồ 240km2, dung tích
2.900.000.000m3 nước, có hơn 1.300 hòn đảo nằm trên mặt hồ (trước đây các đảo
này là những quả đồi).
Hồ Thác Bà được ví như Vịnh Hạ Long trên miền sơn cước, được công nhận là quần
thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1996. Đây còn là nơi du lịch
hấp dẫn du khách bởi không khí trong lành, cảnh quan đẹp, đặc biệt khi mùa nước
lên, hồ Thác Bà lung linh như một bức tranh sơn thủy, in bóng những vạt rừng
già bao quanh và muôn hình vạn trạng nhũ đá. Những sự tích ly kỳ về Thác Bà,
Thác Ông, hang động Thủy Tiên, Xuân Long… khiến cho nơi đây càng trở bên bí ẩn
và hấp dẫn du khách.
2. Trung tâm cứu hộ và cho sinh sản các loài Linh trưởng đang bị Nguy cấp
trong điều kiện nuôi nhốt với số lượng lớn nhất
Trung tâm cứu hộ Linh
trưởng nguy cấp thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình
là trung tâm cứu hộ động vật hoang dã đầu tiên ở Việt Nam và cả Đông Dương,
đồng thời là trung tâm cứu hộ Linh trưởng có số lượng lớn nhất ở Đông Nam Á.
Hiện trung tâm đang chăm giữ khoảng 150 cá thể linh trưởng của 15 loài linh
trưởng đang bị đe dọa của Việt Nam và Đông Dương, đều có trong sách Đỏ Việt Nam
và sách Đỏ thế giới.
Đặc biệt, đây là trung tâm cứu hộ linh trưởng cho sinh sản trong điều kiện nuôi
nhốt 13 loài Linh trưởng, trong đó có 7 loài Linh trưởng đang bị Nguy cấp và
Cực kỳ Nguy cấp được cho sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt trên thế giới.
Trung tâm cứu hộ Linh trưởng Nguy cấp là một dự án phi chính phủ (NGos) được
tài trợ bởi Hội Động vật học Framkfurt, CHLB Đức (FZS) hợp tác cùng vườn quốc
gia Cúc Phương, hoạt động bảo tồn thiên nhiên dài hạn ở Việt Nam đã 20 năm, với
chiến lược cứu hộ, phục hồi sức khỏe, cho sinh sản trong điều kiện nuôi nhốt
những loài Linh trưởng đang bị Nguy cấp và Cực kỳ Nguy cấp và bảo tồn môi
trường sống của chúng nhằm phục vụ "Chương trình Tái hòa nhập Linh trưởng
về tự nhiên” theo nhu cầu bảo tồn quốc gia "Kế hoạch hành động đa dạng
sinh học Việt Nam 1995”.
3. Hồ nước ngọt tự nhiên trên núi đá vôi độc đáo nhất Việt Nam
Ba Bể là một hồ nước ngọt
ở Bắc Kạn, là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam. Hồ được
tạo ra trên nền lục địa cổ Hoa Nam,
hình thành từ cách đây hơn 2,6 tỷ năm. Cuộc kiến tạo lục địa Đông Nam Á cuối kỷ
Camri đã đưa một khối nước khổng lồ với diện tích bề mặt xấp xỉ 5 triệu m2 và
chiều sâu hồ có chỗ lên tới 35m, sức chứa xấp xỉ lên 90 triệu m3 nước trên lưng
chừng vùng núi đá vôi, tạo ra hồ Ba Bể. Ba nhánh của hồ thông với nhau được gọi
tên là Pé Lầm, Pé Lù, Pé Lèng. Đây là hồ nước ngọt thiên nhiên lớn nhất Việt Nam.
Năm 1995, hồ Ba Bể đã được Hội nghị Hồ nước ngọt thế giới, tổ chức tại Mỹ, công
nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ. Cuối
năm 2004, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là Vườn di sản Asean.
Năm 2011, hồ Ba Bể được Ban thư ký công ước Ramsar công nhận là khu Ramsar
(vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế) thứ 1938 của thế giới Ramsar và
là khu Ramsar thứ 3 của Việt Nam.
4. Nơi lưu giữ và bảo tồn bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất
Viện Hải dương học, còn
gọi là Bảo tàng Hải dương học nằm tại số 1 Cầu Đá, thành phố Nha Trang, tỉnh
Khánh Hòa được thành lập năm 1923, hiện đang lưu giữ và bảo tồn một bộ mẫu sinh
vật biển lớn và quý: khoảng 20.000 mẫu của 5.000 loài (thuộc các nhóm: Thực vật
biển, Hải miên, Ruột khoang, Thân mềm, Giáp xác, Giun nhiều tơ, Da gai, Sinh
vật phù du, Cá, Bò sát, Thú biển). Bộ mẫu sinh vật biển bao gồm các loài hiện
hữu ở Việt Nam và các vùng lân cận, kể cả một số mẫu cá nước ngọt ở Lào và
Campuchia, có giá trị lớn phục vụ nghiên cứu về phân loại học, đa dạng sinh học
biển và môi trường biển.
Trong Bảo tàng có một số mẫu sinh vật vùng biển ôn đới như: Cá tầm (Acipencer
sinensis), Hải cẩu (Phoca Logar); các sinh vật quý hiếm gồm: Bò biển (Dugong
dugon), Con đú (Caretta caretta), Rùa da (Dermochelys coriacea), Cá Ông chuông
(Pseudorca crassidens); và nhiều sinh vật kích thước lớn như: cá Nạng hải
(Manta birostris) nặng 1 tấn, dài 3,5m, rộng 5m, Cua vua (Paralithoides sp) dài
1,1m, cá Mặt Trăng đuôi nhọn (Masturus lanceolatus) dài 1,5m, rộng 1,6m, nặng
110kg, Trai khổng lồ (Tridacna gigas) nặng 147kg, Mực bay khổng lồ
(Thysanoteuthis rhombus) nặng 12kg, dài 1,5m, rộng 0,6m. Đặc biệt bảo tàng đang
lưu giữ, trưng bày bộ xương Cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) khổng lồ
dài 18m, nặng 10 tấn đã bị chôn vùi trong lòng đất ở Đồng bằng sông Hồng ít
nhất hơn 200 năm nay. Đây thực sự là một di vật lịch sử tự nhiên vô cùng quý
giá.
Bộ mẫu sống gồm trên 2.000 mẫu của hơn 150 loài thuộc 35 họ cá, 11 họ động vật
Da gai, 9 họ Giáp xác, 4 họ động vật thân mềm, 1 họ giun nhiều tơ, 4 họ động
vật Ruột khoang, 3 họ Thực vật biển. Trong số những sinh vật sống đang được
nuôi giữ, cá là nhóm chiếm ưu thế, đặc biệt là cá rạn san hô với 33 trên tổng
số 35 họ cá. Các loài cá rạn san hô có màu sắc đẹp mắt, được nuôi phổ biến
trong các bể cá riêng lẻ hoặc các loài sinh vật khác trong hệ sinh thái rạn san
hô, trong đó có những loài cá quý hiếm như cá Hoàng Đế, cá Hoàng Hậu, cá Tai
thỏ. Với mục đích cảnh báo, bảo tàng cũng nuôi những loài cá gây nguy hiểm cho
con người như cá đuối, cá nóc, cá mặt quỉ, cá mao tiên, cá chình… Một số loài
nuôi tại bảo tàng là sản phẩm các công trình nghiên cứu của Viện Hải dương học
như cá khoang cổ và cá ngựa, trong đó cá khoang cổ nê mô được sản xuất giống từ
nguồn bố mẹ sinh sống ở quần đảo Trường Sa.
5. Nhà máy chế biến rác thải nilon thành dầu đầu tiên tại Việt Nam
Nhà máy được xây dựng
tại bãi rác Khánh Sơn, phường Hòa Khánh Nam,
quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, do Công ty CP môi trường Việt Nam đầu tư xây
dựng.
Dự án nhà máy xử lý rác thải tại Đà Nẵng có vốn đầu tư giai đoạn 1 là 120 tỷ và
giai đoạn 2 là 400 tỷ. Cụ thể giai đoạn 1 tập trung vào công nghệ tái chế rác
thải rắn (nilon) thành dầu, giai đoạn 2 tái chế rác thải hữu cơ, rác thải xây
dựng thành gạch không nung, than sinh học.
Ngày 20.4.2012, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành và cho ra sản phẩm dầu công
nghiệp được tái chế hoàn toàn từ nilon. Hiện nay, trên địa bàn Đà Nẵng, mỗi
ngày bãi rác Khánh Sơn tiếp nhận 650 tấn rác thải. Trong đó có 8% là túi nilon
tương đương với 50 tấn. Theo tính toán của Công ty CP môi trường Việt Nam, cứ 3
tấn túi nilon được tái chế thành 1 tấn dầu PO và RO. Lượng rác thải còn lại
ngoài bao nilon sẽ được tái chế thành gạch xây dựng không nung, than sinh
học...
Với tỷ lệ 8% nilon có trong 650 tấn rác thải hàng ngày trên địa bàn thành phố
Đà Nẵng, nhà máy có thể sản xuất ra khoảng 17 tấn dầu PO và RO trong 1 ngày.
Đây là công nghệ xử lý tái chế nilon phế thải thành dầu đốt công nghiệp được áp
dụng đầu tiên tại Việt Nam, công nghệ áp dụng phương pháp nhiệt phân có điều
kiện để tái tạo thành phần khó phân hủy như hỗn hợp phế thải dẻo, cao su, v.v..
có trong chất thải rắn sinh hoạt tạo thành nguồn nhiên liệu đốt (dầu PO) phục vụ cho đời sống và sản xuất đạt tiêu chí xã hội
hóa ngành môi trường.
6. Hệ thống điện năng lượng mặt trời đang hoạt động có quy mô lớn nhất
Công ty TNHH Intel
Products Việt Nam ở Khu Công nghệ cao, quận 9, TP. HCM đã khánh thành và đưa
vào sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời lớn nhất tại Việt Nam vào ngày 23.4
.2012.
Intel đã đầu tư khoảng 1,1 triệu USD vào hệ thống năng lượng điện mặt trời, còn
gọi là năng lượng sạch và xanh. Đây là hệ thống điện mặt trời lớn nhất tại Việt
Nam
và cũng là hệ thống điện mặt trời đầu tiên của Intel tại châu Á.
Hệ thống điện mặt trời tại Công ty Intel Việt Nam hoạt động trên tổng diện tích
3.270m2, được làm từ 1.092 tấm pin năng lượng mặt trời cùng 21 bộ biến điện
được kết nối với nhau bởi hơn 10.000m dây cáp DC, 4.000m dây cáp chịu lực và
50.000kg ba-lat. Dự án có sự tham gia của hơn 30 kỹ sư về năng lượng mặt trời
với tổng cộng 5.000 giờ lao động bao gồm cả thiết kế và lắp đặt. Dự án hiện có
khả năng phát được khoảng 321.000Kwh điện và hạn chế tới 221.300kg lượng khí
CO2 thải ra hàng năm, tương đương với số khí CO2 thải ra từ 610 chiếc xe máy
lưu hành trên đường phố TP. HCM trong 1 năm.
7. Nhà máy điện gió lớn nhất
Nhà máy điện gió đóng
tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận thuộc Công ty Cổ phần Năng
lượng Tái tạo Việt Nam (REVN), khởi công xây dựng vào năm 2008 và hoàn thành
vào năm 2011, với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng.
Đây là nhà máy điện gió đầu tiên tại Việt Nam được đưa vào hoạt động, có quy mô
lớn nhất không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Máy móc thiết bị chính
gồm 20 tuabin gió loại FL MD - 77 của hãng Fuhrlaender (Cộng hòa liên bang
Đức), công suất 1,5 Mw/tua bin; sải cánh quay: 77m; chiều cao cột tháp tua bin:
85m. tổng công suất nhà máy 30MW.
Hiện nhà máy đã vận hành an toàn lên lưới điện quốc gia hơn 90 triệu KWh, đồng
thời giảm lượng phát thải khí nhà kính 50.000 tấn CO2/năm